Theo báo cáo của Chi cục Chăn nuôi và Thú y, kết quả tiêm phòng vắc-xin vụ thu năm 2020 đạt tỷ lệ thấp so với kế hoạch, không đảm bảo yêu cầu phòng dịch, đặc biệt một số địa phương không tổ chức tiêm phòng bệnh lở mồm, long móng (LMLM) cho đàn lợn nái và lợn đực giống, phòng bệnh dại cho đàn chó, mèo. Ðến ngày 19-10-2020, toàn tỉnh tiêm vắc-xin phòng dịch tả lợn được 139.362 con, đạt 62,1% kế hoạch; tiêm vắc-xin LMLM cho đàn trâu, bò, dê được 26.147 con, đạt 83,8% kế hoạch; cho đàn lợn nái, lợn đực giống được 11.900 con, đạt 30,1% kế hoạch; tiêm vắc-xin phòng dại cho đàn chó, mèo được 17.382 con, đạt 23,5% kế hoạch.
Trong khi đó hiện nay, nguy cơ phát sinh, lây lan các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở gia súc, gia cầm nhất là bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP), cúm gia cầm, LMLM... trên địa bàn tỉnh là rất cao do thời tiết chuyển mùa thường xuyên có những đợt mưa, lạnh làm giảm sức đề kháng của đàn vật nuôi; việc quản lý đàn vật nuôi chưa được chặt chẽ, chủ cơ sở chăn nuôi không thực hiện đăng ký, kê khai hoạt động chăn nuôi với UBND cấp xã; việc vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ thực phẩm tăng cao; mầm bệnh vẫn còn tồn tại, lưu hành ngoài môi trường, đặc biệt cuối tháng 8 đầu tháng 9-2020 trên địa bàn tỉnh đã phát sinh 5 ổ bệnh DTLCP. Ðể ngăn chặn các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở gia súc, gia cầm phát sinh, lây lan và chủ động phòng, chống đói, rét cho vật nuôi, bảo vệ sản xuất, bảo vệ sức khỏe nhân dân, Sở NN và PTNT đề nghị UBND các huyện, thành phố Nam Ðịnh, các sở, ngành liên quan tập trung chỉ đạo thực hiện tốt các nội dung Công điện số 01/CÐ-BCÐDTLCP ngày 8-10-2020 của Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống bệnh DTLCP về việc tập trung chỉ đạo, triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp kiểm soát bệnh DTLCP tái phát, lây lan trên diện rộng; Công điện số 09/CÐ-UBND ngày 21-9-2020 của UBND tỉnh, trong đó cần tập trung tổ chức rà soát, đánh giá kết quả tiêm phòng vụ thu năm 2020 và tiếp tục chỉ đạo tổ chức tiêm phòng triệt để vắc-xin cho đàn gia súc, gia cầm theo đúng yêu cầu phòng dịch, nhất là tại các địa phương có kết quả tiêm phòng thấp hoặc không tổ chức tiêm phòng; ngoài tiêm phòng các loại vắc-xin do tỉnh hỗ trợ cần tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi chủ động mua các loại vắc-xin để tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm theo đúng quy trình kỹ thuật. Tổ chức quản lý chặt chẽ đàn vật nuôi; thực hiện nghiêm việc đăng ký kê khai hoạt động chăn nuôi về thời gian nhập con giống vào nuôi, loại và số lượng vật nuôi, điều kiện chăn nuôi với UBND cấp xã; tăng cường công tác giám sát dịch bệnh đến tận hộ chăn nuôi, khi phát hiện gia súc gia cầm ốm chết bất thường phải báo ngay cho nhân viên thú y và chính quyền địa phương để có biện pháp xử lý kịp thời, không giấu dịch, không để dịch bệnh lây lan ra diện rộng. Thực hiện nghiêm công tác kiểm dịch tại gốc, kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển động vật, sản phẩm động vật trên địa bàn theo đúng quy định của pháp luật. Ký cam kết với các hộ giết mổ, sơ chế, chế biến động vật, sản phẩm động vật không giết mổ, tiêu thụ động vật ốm, chết làm thực phẩm; thực hiện vệ sinh, tiêu độc, khử trùng sau mỗi ca giết mổ. Hướng dẫn các hộ chăn nuôi thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học, chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, phòng chống mưa, bão, đói, rét cho vật nuôi; cải tạo chuồng nuôi thông thoáng, nền chuồng cao ráo, tránh ngập nước, có giải pháp che chắn tránh mưa tạt, gió lùa; thức ăn, nước uống đảm bảo số lượng, chất lượng, bổ sung các loại Vitamin, khoáng chất vào khẩu phần ăn, có phương án dự trữ đủ thức ăn cho vật nuôi; thường xuyên thực hiện vệ sinh, khử trùng, tiêu độc khu vực chuồng nuôi; con giống nhập vào nuôi phải khỏe mạnh, có nguồn gốc rõ ràng.
Chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra nhằm phát hiện, ngăn chặn các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về: phòng, chống dịch; vận chuyển, giết mổ, sơ chế, chế biến động vật, sản phẩm động vật không đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y, vệ sinh an toàn thực phẩm, gây ô nhiễm môi trường; kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, chất cấm trong chăn nuôi; công khai danh sách, địa chỉ các cơ sở vi phạm trên các phương tiện thông tin, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định. Thành lập các đoàn công tác để kiểm tra, đôn đốc các địa phương chỉ đạo, tổ chức thực hiện các biện pháp chủ động phòng, chống dịch bệnh; phòng, chống đói rét cho vật nuôi và công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm./.
Văn Đại