Sáng 22-10, đồng chí Nguyễn Phùng Hoan, Ủy viên Ban TVTU, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã đi kiểm tra tình hình khắc phục thiệt hại sau bão số 7 trên địa bàn tỉnh.
Đồng chí Nguyễn Phùng Hoan, Ủy viên Ban TVTU, Phó Chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra tình trạng sạt lở kè Hải Thịnh 3 (Hải Hậu). |
Bão số 7 với gió mạnh cấp 7, giật cấp 10 ở khu vực ven biển; sau bão lại có mưa to đến rất to, lượng mưa phổ biến từ 150-250mm đã ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và hệ thống đê điều của tỉnh. Tại các địa phương, tổng diện tích lúa bị ảnh hưởng do bão số 7 là 1.125ha, trong đó diện tích bị thiệt hại trên 70% là 52ha; diện tích cây vụ đông bị thiệt hại trên 70% là 905ha, diện tích bị thiệt hại từ 30-70% là 1.800ha. Tổng giá trị thiệt hại đối với sản xuất nông nghiệp của toàn tỉnh ước tính 26,1 tỷ đồng… Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã đi kiểm tra tại 3 điểm bị ảnh hưởng nặng do bão số 7 là: Bãi hạ lưu kè Hồng Hà, xã Mỹ Tân (Mỹ Lộc); tuyến đê biển Thanh Hương thuộc địa bàn xã Phúc Thắng (Nghĩa Hưng) và tuyến đê biển huyện Hải Hậu. Bãi hạ lưu kè Hồng Hà tương ứng vị trí Km161+320 bị sạt lở ăn sâu vào bãi 3-5m tạo thành vách đứng, hở hàm ếch, với chiều dài khoảng 200m. Tuyến đê biển Thanh Hương huyện Nghĩa Hưng bị sạt lở 4 vị trí, chiều sâu hố từ 0,6-1m, chiều dài 90m; phần vai đê tại vị trí K13+800 bị lún sâu so với mặt đê từ 0,2-0,6m và tách khỏi mặt bê tông với chiều dài 40m. Tại huyện Hải Hậu, bão số 7 đã gây sạt, sập tại vị trí K25+320, K25+770 trên tuyến kè biển Hải Thịnh 3 với tổng diện tích các hố sạt, sập 278m2; toàn bộ kè bãi tắm Thịnh Long bị sạt sập, có đoạn sạt lở vào tới mặt đường nhựa khu du lịch, với chiều dài sạt lở khoảng 100m… Ước giá trị thiệt hại đối với hệ thống đê điều của tỉnh 41,7 tỷ đồng. Tại các vị trí sạt, sập, Sở NN và PTNT đã phối hợp với UBND các huyện huy động lực lượng chức năng và các đơn vị liên quan tiến hành xử lý giờ đầu nhằm hạn chế tình trạng sạt sụt, ảnh hưởng đến an toàn của toàn tuyến đê, kè của tỉnh.
Sau khi kiểm tra thực tế, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo: Đối với các công trình đê, kè, cống bị thiệt hại do ảnh hưởng của bão số 7 sẽ được phân cấp quản lý, sửa chữa; công trình nào thuộc cấp huyện quản lý thì các huyện chủ động bố trí kinh phí, huy động lực lượng, phương tiện sửa chữa, khắc phục, công trình nào do tỉnh quản lý thì tỉnh sẽ tập trung chỉ đạo khắc phục giải quyết giờ đầu, không để tình trạng sập, sạt tiếp diễn nhằm bảo đảm an toàn hệ thống đê, kè của tỉnh. Về lâu dài, tỉnh và các huyện sẽ tiến hành rà soát, kiểm tra, đánh giá và phân loại các công trình, trên cơ sở đó tùy theo mức độ, tính chất cấp thiết của công trình để đưa vào xây dựng thành các dự án khắc phục, sửa chữa hoặc xây dựng mới. UBND tỉnh yêu cầu ngành Nông nghiệp phối hợp với các sở, ngành chức năng triển khai mua sắm, huy động đầy đủ các loại vật tư cần thiết để phục vụ công tác xử lý tại các vị trí phải xử lý khẩn cấp cũng như vật tư dự trữ theo quy định của pháp luật để ứng phó với tình hình mưa, bão trong thời gian tới, nhất là cơn bão số 8 đang tiến vào đất liền nước ta trong những ngày tới./.
Tin, ảnh: Văn Đại