Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa ban hành Chỉ thị về tăng cường công tác quản lý đối với hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng quy định tại Nghị định số 10/2000/NĐ-CP và Thông tư số 12/2020/TT-BGTVT.
Chỉ thị nêu rõ: Chính phủ đã ban hành Nghị định số 10/2020/NĐ-CP ngày 17-1-2020 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô. Sau đó Bộ GTVT đã ban hành Thông tư số 12/2020/TT-BGTVT ngày 29-5-2020 quy định về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ.
Để triển khai các văn bản trên, Bộ GTVT và các sở GTVT đã tổ chức tuyên truyền đến đơn vị vận tải, Hiệp hội vận tải, đơn vị bến xe. Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức thực hiện, Bộ GTVT nhận được kiến nghị của Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam và một số đơn vị vận tải phản ánh việc chấp hành các quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải hành khách của một số đơn vị kinh doanh vận tải, nhất là các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng còn chưa thực sự nghiêm, vẫn mang tính đối phó, hình thức, gây ra tình trạng mất công bằng trong kinh doanh vận tải, ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng dịch vụ và đảm bảo an toàn giao thông.
Nhằm khắc phục những tồn tại trong hoạt động vận tải hành khách bằng xe ô tô theo hợp đồng, xử lý quyết liệt tình trạng “xe dù, bến cóc”, “xe hợp đồng chạy như tuyến cố định”, Bộ GTVT yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam tăng cường thanh tra, kiểm tra về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô; công tác quản lý hoạt động vận tải của địa phương (trong đó có công tác quản lý bến xe, các điểm đón trả khách trên địa bàn và việc chấp hành các quy định về vận tải của các đơn vị vận tải), đặc biệt tập trung vào loại hình kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng để phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh các vi phạm.
Đồng thời, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý hoạt động vận tải đường bộ; khẩn trương xây dựng phần mềm tiếp nhận thông báo hợp đồng vận chuyển khách, tự động theo dõi, tổng hợp, thống kê, phân tích các dữ liệu đáp ứng yêu cầu quản lý để thống nhất sử dụng chung trong toàn quốc; xây dựng và hoàn thiện hệ thống thông tin quản lý kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng, vận tải khách du lịch bằng xe ô tô; nâng cấp hệ thống dịch vụ công trực tuyến, hệ thống giám sát hành trình để áp dụng thống nhất trong toàn quốc đảm bảo theo lộ trình quy định tại Nghị định số 10/2000/NĐ-CP; Bộ GTVT cũng yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam xây dựng phần mềm quản lý hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô; thực hiện và phối hợp thực hiện việc kết nối liên thông dữ liệu các phần mềm: quản lý cấp biển hiệu, phù hiệu cho xe ô tô kinh doanh vận tải, giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, giám sát hành trình, đăng kiểm, xử lý vi phạm, thu hồi Giấy phép lái xe để tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý Nhà nước.
Chỉ thị của Bộ GTVT yêu cầu các Sở GTVT rà soát và bố trí các điểm dừng đón trả khách cho phương tiện vận tải khách phù hợp với các quy định hiện hành; hướng dẫn các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng thực hiện nghiêm các quy định hiện hành, đôn đốc việc cung cấp đầy đủ các nội dung tối thiểu của hợp đồng vận chuyển. Đặc biệt, thực hiện nghiêm túc quy định về truyền dẫn dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình; quản lý hoạt động của các phương tiện thuộc đơn vị qua dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình để phát hiện, chấn chỉnh kịp thời các vi phạm, đảm bảo việc truyền dữ liệu đầy đủ, kịp thời; Ngoài ra, các Sở GTVT có trách nhiệm thông báo danh sách các phương tiện được cấp phù hiệu xe hợp đồng đến UBND xã, phường, thị trấn nơi đơn vị kinh doanh vận tải đặt trụ sở chính hoặc trụ sở chi nhánh để phối hợp quản lý. Đồng thời, tiến hành niêm yết danh sách các phương tiện được cấp phù hiệu xe hợp đồng trên trang Thông tin điện tử của Sở để các cơ quan liên quan thuận lợi trong việc tra cứu, giám sát; thực hiện trích xuất dữ liệu thiết bị giám sát hành trình trên hệ thống dữ liệu giám sát hành trình của Tổng cục Đường bộ Việt Nam đối với các phương tiện được cấp phù hiệu xe hợp đồng để phát hiện và xử lý các vi phạm.
Đặc biệt, các Sở GTVT cần đề xuất, báo cáo UBND cấp tỉnh cho phép thực hiện lắp đặt hệ thống camera giám sát tại các khu vực thường xuyên có xe hợp đồng tổ chức đón, trả khách (bến cóc) để kiểm tra, xử lý kịp thời; tiếp tục phổ biến, tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện pháp luật về hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô nói chung, hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô theo hợp đồng nói riêng; đồng thời, phổ biến nội dung của Chỉ thị này đến các đơn vị kinh doanh vận tải, các bến xe khách trên địa bàn địa phương./.
Theo TTXVN