Tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật

07:09, 30/09/2020

Sáng 30-9, UBND tỉnh đã tổ chức họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật tỉnh đánh giá kết quả sản xuất chăn nuôi và phòng, chống dịch bệnh động vật 9 tháng năm 2020. Đồng chí Nguyễn Phùng Hoan, Ủy viên Ban TVTU, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật tỉnh chủ trì hội nghị. 

Theo báo cáo của Sở NN và PTNT về chăn nuôi của tỉnh 9 tháng đầu năm, đàn trâu, bò cơ bản ổn định, đàn gia cầm tăng; chăn nuôi lợn tiếp tục gặp khó khăn trong việc tái đàn do nguồn giống khan hiếm, giá con giống cao và nguy cơ tái phát bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) nên người chăn nuôi chưa mạnh dạn tái đàn. UBND tỉnh đã cấp kinh phí cho Trung tâm Giống gia súc, gia cầm tỉnh mua 5 con lợn đực giống, 95 con lợn nái ông, bà để sản xuất con giống bố, mẹ phục vụ nhu cầu tái đàn của tỉnh. Đến nay toàn tỉnh đã tái đàn đạt khoảng 85% so với thời điểm trước khi có bệnh DTLCP. Toàn tỉnh hiện có 152 trang trại, trong đó 21 trang trại được cấp chứng nhận VietGAHP, 34 cơ sở được công nhận an toàn dịch bệnh. Năm 2020, với sự hỗ trợ từ các nguồn, tỉnh đã triển khai xây dựng 4 mô hình nuôi lợn an toàn sinh học, 6 mô hình nuôi lợn an toàn dịch bệnh và 4 mô hình kinh tế tuần hoàn trong nuôi lợn. Về tình hình dịch bệnh trong chăn nuôi, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 1 ổ dịch cúm gia cầm, 11 ổ bệnh DTLCP và đã được chính quyền địa phương xử lý theo quy định, bảo đảm vệ sinh môi trường, không lây lan sang các hộ xung quanh. Năm 2020, UBND tỉnh cấp kinh phí mua 298.500 liều vắc-xin dịch tả để tiêm cho đàn lợn; 140 nghìn liều vắc-xin lở mồm long móng type O để tiêm cho trâu, bò, dê và đàn lợn nái, lợn đực giống. Các địa phương đã xây dựng kế hoạch và tổ chức tiêm phòng vắc-xin cho đàn gia súc, gia cầm, tuy nhiên kết quả tiêm phòng đến nay thấp, không đạt kế hoạch đề ra. Công tác kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật được thực hiện nghiêm túc theo đúng quy định của pháp luật, tạo điều kiện cho hàng hóa được lưu thông. Sở NN và PTNT, các địa phương đã hướng dẫn các hộ chăn nuôi thực hiện tốt chăn nuôi an toàn sinh học, tăng cường công tác vệ sinh, tiêu độc, khử trùng phòng, chống dịch bệnh động vật; tổ chức kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong sản xuất, kinh doanh thuốc thú y và thức ăn chăn nuôi năm 2020. 

Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: Sau khi dịch bệnh trên động vật được khống chế, hiện nay tại các địa phương đã xuất hiện các mô hình chăn nuôi mới, hiệu quả; số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ trong khu dân cư giảm dần; các hộ chăn nuôi không tái đàn ồ ạt, đã chủ động đăng ký với chính quyền địa phương khi tổ chức tái đàn. UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương thực hiện đầy đủ các quy định của Nhà nước về hỗ trợ chăn nuôi khi có dịch bệnh. Từ tháng 2-2020 đến nay cơ bản dịch bệnh trên đàn vật nuôi được kiểm soát nên chăn nuôi đã có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên thời gian tới tiềm ẩn nhiều nguy cơ phát sinh bệnh DTLCP, cúm gia cầm, lở mồm long móng gia súc và dịch bệnh trên ngao, vạng do thời tiết chuyển mùa, điều kiện chăn nuôi chưa được kiểm soát chặt chẽ, mầm bệnh trong môi trường vẫn còn; đặc biệt trong nuôi thủy sản có sự thay đổi về nguồn nước, mật độ thả nuôi quá cao... Trên cơ sở phân tích, đánh giá và nhận định tình hình thực tế, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các ngành chức năng, các địa phương triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật theo chỉ đạo của UBND tỉnh tại Công điện số 09/CĐ-UBND ngày 21-9-2020 của UBND tỉnh. Tích cực tuyên truyền để người chăn nuôi, nuôi thủy sản thực hiện tốt các giải pháp bảo vệ đàn vật nuôi của gia đình mình, nhân rộng các mô hình chăn nuôi an toàn sinh học, VietGAHP và chăn nuôi tuần hoàn. Tổ chức tốt công tác tiêm phòng vụ thu; tích cực thực hiện khử trùng, tiêu độc tại vùng trọng điểm chăn nuôi, vùng nguy cơ cao để tiêu diệt mầm bệnh. Tăng cường quản lý Nhà nước về chăn nuôi, chất lượng vật tư nông nghiệp, nhất là chất lượng vắc-xin, thuốc chữa bệnh động vật và hoạt động giết mổ, vận chuyển sản phẩm động vật. Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở NN và PTNT phối hợp với các huyện: Xuân Trường, Hải Hậu, Ý Yên... tham mưu tổ chức hội thảo tổng kết mô hình chăn nuôi mới có hiệu quả về kinh tế, quản lý tốt dịch bệnh, môi trường, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm làm cơ sở nhân rộng ra toàn tỉnh./.

Văn Đại



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com