Qua kết quả kiểm tra công tác phòng, chống dịch hại lúa mùa cho thấy, toàn tỉnh đã phun trừ sâu cuốn lá nhỏ lứa 6 cho 66.993ha lúa, đạt 91,9% diện tích; ngoài ra kết hợp phun trừ rầy lứa 5 và bệnh khô vằn hại lúa. Trong thời gian phun trừ, thời tiết thuận lợi nên hiệu quả phòng trừ cao. Tuy nhiên do sâu cuốn lá nhỏ lứa 6 có mật độ rất cao, nhất là các huyện phía nam tỉnh (300-400 con/m2, cục bộ 700-1.000 con/m2), một số diện tích phun thuốc không đúng chủng loại hướng dẫn hoặc phun xong gặp mưa nên mật độ sâu còn sống khá cao, nhất là diện tích lúa xanh non, lúa sạ dày trỗ bông muộn (50-100 con/m2, cá biệt trên 200 con/m2, phổ biến tuổi 2-3). Nếu không khẩn trương tổ chức phun trừ triệt để sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất lúa. Ngoài ra, nguồn sâu đục thân 2 chấm lứa 5 có mật độ tương đương so với cùng kỳ năm trước, sâu sẽ gây hại nặng trà lúa trỗ bông sau ngày 15-9 đối với các huyện phía bắc tỉnh, sau 20-9 đối với các huyện phía nam tỉnh.
Trước tình hình trên, Sở NN và PTNT đề nghị UBND các huyện, thành phố quan tâm tập trung chỉ đạo Phòng NN và PTNT, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp các huyện, thành phố và Ban Nông nghiệp các xã, thị trấn đảm bảo đủ nước cho lúa trỗ bông, phơi màu thuận lợi; bón đủ lượng phân kali đảm bảo theo quy trình hướng dẫn (tổng lượng kali đạt từ 5-6 kg/sào). Tuyệt đối không bón phân urê đón đòng để giảm thiểu sự phát sinh, gây hại của các đối tượng sâu bệnh cuối vụ, nhất là bệnh bạc lá. Tổ chức tổng điều tra đồng ruộng trên các trà lúa mùa, tiếp tục phát động, hướng dẫn nông dân tranh thủ thời tiết thuận lợi phun trừ sâu cuốn lá nhỏ lần 2 kết hợp với trừ rầy, bệnh khô vằn trước ngày 8-9 cho những diện tích còn mật độ sâu cuốn lá sống trên 50 con/m2. Sử dụng thuốc có hoạt chất Indoxacarb (Clever 150SC; 300WG, Sunset 300WG, Obaone 95WG, Ammate® 150EC, Divine 180SC, Indogold 150SC...); hoạt chất khác (Takumi 20SC, Director 140EC, Solo 350SC, Voliam Targo 063SC...). Phun thuốc trừ sâu đục thân 2 chấm lứa 5 khi lúa bắt đầu trỗ (trỗ 1-5% số bông) cho những diện tích có mật độ ổ trứng trên 0,2 ổ/m2; nơi có mật độ trứng trên 1 ổ/m2 phải trừ kép (lần 1 khi lúa thấp tho trỗ, lần 2 sau lần 1 từ 5-7 ngày); ruộng trỗ trước phun trước, ruộng trỗ sau phun sau. Sử dụng thuốc có hoạt chất Chlorantraniliprole (Prevathon® 5SC, Voliam Targo 063SC...), hoạt chất Chlofenapyr. Phun phòng bệnh đạo ôn cổ bông lúc lúa trỗ 3-5% số bông cho các giống nhiễm như: Đài thơm 8, Dự hương, X21, BC15, Khang dân 18, Q5, QR1, Nếp, Thiên ưu 8... khi lúa trỗ gặp mưa; sử dụng thuốc có hoạt chất Tricyclazole (Beam 75WP, Kabim 30WP, Kasai-S 92SC, Filia 525SE, Bamy 75WP...); hoạt chất khác (Bump 650WP, Bumrosai 650WP, Bankan 600WP, Mixperfect 525SC...); không nên sử dụng loại thuốc chỉ chứa 1 hoạt chất Isoprothiolane để phun phòng bệnh đạo ôn cổ bông. Đối với bệnh bạc lá, hiện nay chưa có thuốc đặc trị, vì vậy không nên phun thuốc để phòng trừ bệnh này. Nếu phát hiện bệnh cần giữ đủ nước trong ruộng và không nên bón phân hay phun thuốc kích thích sinh trưởng. Theo dõi chặt chẽ bệnh lùn sọc đen, thường xuyên kiểm tra nhổ vùi dảnh, khóm lúa bị bệnh để hạn chế sự lây lan, phát tán nguồn bệnh lùn sọc đen.
Tăng cường công tác quản lý Nhà nước về vật tư nông nghiệp ở các huyện, thành phố, nhất là UBND cấp xã; chỉ đạo các đại lý, hộ kinh doanh vật tư nông nghiệp cung ứng và hướng dẫn nông dân sử dụng vật tư nông nghiệp theo hướng dẫn của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật./.
Văn Đại