10 KẾT QUẢ NỔI BẬT VỀ KINH TẾ - XÃ HỘI TỈNH NAM ĐỊNH GIAI ĐOẠN 2015-2020

09:09, 23/09/2020

1. Xây dựng nông thôn mới đạt được những thành tựu nổi bật, Nam Định là một trong hai tỉnh đầu tiên của cả nước hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020

Anh Lê Tiến Đạt, xóm 7, xã Hải Cường (Hải Hậu) đầu tư hơn 700 triệu đồng trồng rau công nghệ cao. Ảnh: Ngọc Ánh
Anh Lê Tiến Đạt, xóm 7, xã Hải Cường (Hải Hậu) đầu tư hơn 700 triệu đồng trồng rau công nghệ cao. Ảnh: Ngọc Ánh

Xác định xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, liên tục và không có điểm dừng; ngay từ đầu nhiệm kỳ, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TU về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020, đồng thời chỉ đạo triển khai thực hiện với sự vào cuộc quyết liệt, sáng tạo của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở và sự tham gia, hưởng ứng của đông đảo quần chúng nhân dân. Xây dựng nông thôn mới đã trở thành phong trào quần chúng sâu rộng, hiệu quả với nhiều cách làm hay, mô hình điểm được kịp thời phát hiện và nhân rộng. Trong quá trình xây dựng nông thôn mới, đã huy động được trên 40 nghìn tỷ đồng đầu tư kết cấu hạ tầng nông thôn, thu hút được trên 5.000 doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn nông thôn, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2020 đạt 52 triệu đồng, gấp 4,1 lần so với trước khi xây dựng nông thôn mới, đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn được nâng lên rõ rệt, diện mạo nông thôn thay đổi toàn diện.

Năm 2019, tỉnh Nam Định đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, về đích sớm hơn 1,5 năm so với mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX. Với thành tích đó, tỉnh Nam Định vinh dự được Chủ tịch Nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Ba trong phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”.

2. Hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông được đầu tư khá đồng bộ, hiện đại góp phần cải thiện vị thế địa kinh tế, tạo diện mạo mới, tác động lâu dài tới sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh

Cầu Thịnh Long được đưa vào khai thác từ tháng 5-2020. Ảnh: Thanh Thúy
Cầu Thịnh Long được đưa vào khai thác từ tháng 5-2020. Ảnh: Thanh Thúy

Trong giai đoạn 2015-2020, tỉnh Nam Định đã tập trung nguồn lực xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông; trong đó nhiều công trình dự án hạ tầng giao thông trọng điểm được tập trung đầu tư, hoàn thành và đưa vào sử dụng, gồm: 

- Dự án đã hoàn thành đưa vào sử dụng: Tuyến đường bộ mới nối Quốc lộ 10 với Quốc lộ 21 và cầu Tân Phong vượt sông Đào với tổng mức đầu tư gần 700 tỷ đồng; đường dẫn và cầu Thịnh Long vượt sông Ninh Cơ với tổng mức đầu tư gần 1.160 tỷ đồng; Tỉnh lộ 488 (từ cầu Vòi đến thị trấn Thịnh Long) với tổng mức đầu tư gần 800 tỷ đồng; Tỉnh lộ 487 với tổng mức đầu tư gần 500 tỷ đồng; Tỉnh lộ 489C đoạn từ nút giao Quốc lộ 21 (cầu Lạc Quần) đến phà Sa Cao với tổng mức đầu tư trên 580 tỷ đồng.

- Dự án đã khởi công và đang tập trung thi công: Giai đoạn 1 tuyến đường trục phát triển kết nối vùng kinh tế biển Nam Định với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình với tổng mức đầu tư gần 2.600 tỷ đồng; Tuyến đường bộ ven biển đoạn qua tỉnh Nam Định với tổng mức đầu tư gần 2.700 tỷ đồng; Tỉnh lộ 485B, 487B, 488B, 488C.

Bên cạnh đó, đã tập trung cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới được trên 2.500km giao thông nông thôn và gần 3.000 cầu, cống dân sinh.

3. Hình thành nhiều khu, cụm công nghiệp với hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hiện đại góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, tạo nguồn thu lớn, ổn định cho ngân sách

Sản xuất dây dẫn phục vụ lắp đặt điện thoại di động xuất khẩu tại Công ty Hệ thống dây dẫn Sumi Việt Nam (KCN Bảo Minh). Ảnh: Thanh Thúy
Sản xuất dây dẫn phục vụ lắp đặt điện thoại di động xuất khẩu tại Công ty Hệ thống dây dẫn Sumi Việt Nam (KCN Bảo Minh). Ảnh: Thanh Thúy

Giai đoạn 2015-2020, tỉnh đã tập trung thu hút các nhà đầu tư để đầu tư mới và mở rộng các khu, cụm công nghiệp với hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hiện đại và bảo vệ môi trường, như: Khởi công, tập trung thi công hạ tầng kỹ thuật và thu hút nhà đầu tư thứ cấp vào Khu công nghiệp Dệt may Rạng Đông với quy mô giai đoạn 1 có diện tích gần 520ha, tổng mức đầu tư khoảng 4.700 tỷ đồng; đang hoàn thiện thủ tục, chuẩn bị đầu tư hạ tầng các Khu công nghiệp: Mỹ Thuận, Hồng Tiến, mở rộng Khu công nghiệp Bảo Minh với tổng diện tích gần 300ha; kêu gọi xã hội hóa đầu tư hạ tầng 5 cụm công nghiệp (CCN), gồm: CCN Yên Dương, CCN Yên Bằng, CCN Thanh Côi, CCN làng nghề Hải Vân, CCN Thịnh Lâm; mở rộng 2 CCN Xuân Tiến và Đồng Côi với tổng diện tích trên 200ha. 

Như vậy, tổng diện tích đất các khu, CCN trên địa bàn tỉnh hiện có gần 1.500ha; trong đó có 4 khu công nghiệp đang hoạt động, gồm: Khu công nghiệp Bảo Minh, Khu công nghiệp Hòa Xá, Khu công nghiệp Dệt may Rạng Đông, Khu công nghiệp Mỹ Trung với tổng diện tích khoảng 1.100ha; thu hút được trên 220 dự án trong nước và nước ngoài, giải quyết việc làm cho trên 45 nghìn lao động. Có 19/24 CCN đã đi vào hoạt động, thu hút gần 500 dự án đầu tư, tạo việc làm cho trên 20 nghìn lao động. Giá trị sản xuất tại các khu, CCN hiện nay chiếm gần 50% tổng giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh.

4. Công tác cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh được quan tâm chỉ đạo quyết liệt và đạt được kết quả tích cực

Việc thành lập, đưa Trung tâm Phục vụ Hành chính công tỉnh vào hoạt động từ tháng 9-2019 được xác định là điểm nhấn nâng cao hiệu quả cải cách hành chính của tỉnh. (Người dân giao dịch tại Trung tâm Phục vụ Hành chính công tỉnh). Ảnh: Thanh Thúy
Việc thành lập, đưa Trung tâm Phục vụ Hành chính công tỉnh vào hoạt động từ tháng 9-2019 được xác định là điểm nhấn nâng cao hiệu quả cải cách hành chính của tỉnh. (Người dân giao dịch tại Trung tâm Phục vụ Hành chính công tỉnh).
Ảnh:
Thanh Thúy

Cải cách hành chính là 1 trong 3 khâu đột phá chiến lược và là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục; thời gian qua, tỉnh đặc biệt quan tâm đến công tác chỉ đạo, điều hành thực hiện các nhiệm vụ như: Cải cách thủ tục hành chính (TTHC), cải cách tổ chức bộ máy hành chính, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, cải cách tài chính công và hiện đại hóa hành chính. Trong đó, tỉnh đã chỉ đạo kiểm tra, rà soát TTHC trên tất cả các ngành, lĩnh vực; kết quả trong giai đoạn 2015-2020 đã cắt giảm 2.181 TTHC, sửa đổi 710 TTHC; hiện nay tổng số TTHC đang thực hiện là 1.706 (trong đó cấp tỉnh là 1.383 TTHC) được công bố, công khai, cập nhật cơ sở dữ liệu quốc gia theo quy định. Tích cực triển khai xây dựng chính quyền điện tử; hoàn thành thực hiện gửi, nhận văn bản điện tử có ký số trên trục liên thông văn bản quốc gia; đẩy mạnh giải quyết TTHC trên Cổng cung cấp dịch vụ công trực tuyến của tỉnh, đến nay đã có trên 42% TTHC thực hiện cấp độ 4, được Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá là một trong 3 tỉnh, thành phố có tỷ lệ giải quyết TTHC cấp độ 4 cao nhất toàn quốc. Thành lập và đưa vào hoạt động có hiệu quả Trung tâm Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ doanh nghiệp, Trung tâm phục vụ hành chính công, với trên 1.200 TTHC được thực hiện kịp thời, không có hồ sơ quá hạn, đa phần người dân và doanh nghiệp đều hài lòng khi thực hiện giao dịch tại các Trung tâm. Tổ chức vận hành thí điểm Trung tâm Điều hành đô thị thông minh tỉnh Nam Định và tập trung triển khai kế hoạch thực hiện thí điểm dịch vụ đô thị thông minh.

Bên cạnh đó, tỉnh đã tập trung rà soát nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức, biên chế của các cơ quan chuyên môn, đơn vị sự nghiệp theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII) về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; sau 4 năm triển khai đã giảm được 225 đầu mối cấp phòng; giảm 218 cấp trưởng, 62 cấp phó phòng; có 26 đơn vị chuyển sang tự chủ kinh phí; tiến hành giải thể 8 đơn vị; giảm 199 đơn vị sự nghiệp... Đồng thời, chỉ đạo thực hiện nghiêm Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật và đạo đức công vụ góp phần ngăn chặn tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp. 

5. Tổng giá trị hàng xuất khẩu đạt mốc 2 tỷ USD, hoàn thành trước 1 năm so với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX

Sản xuất đồ gỗ xuất khẩu tại Công ty CP Lâm sản Nam Định. Ảnh: Thành Trung
Sản xuất đồ gỗ xuất khẩu tại Công ty CP Lâm sản Nam Định. Ảnh: Thành Trung

Tổng giá trị hàng xuất khẩu năm 2020 ước đạt 2,1 tỷ USD, trong đó các doanh nghiệp trong nước chiếm khoảng 45%, các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài chiếm 55%; có khoảng 20 doanh nghiệp xuất khẩu đạt 10 triệu USD trở lên, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu đã khẳng định thương hiệu và có chỗ đứng trên thị trường quốc tế. Hàng hóa xuất khẩu ngày càng đa dạng, phong phú tập trung ở các ngành hàng chủ yếu là may mặc chiếm khoảng 80%; da giầy chiếm khoảng 10%; đồ gỗ, thủ công mỹ nghệ, cơ khí chế tạo, nông sản chiếm khoảng 5%...

6. Ngành Giáo dục và Đào tạo giữ vững thành tích 25 năm liên tục nằm trong tốp dẫn đầu cả nước về chất lượng giáo dục.

Học sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong diễu hành trong Lễ Khai giảng năm học 2020-2021. Ảnh: Minh Thuận
Học sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong diễu hành trong Lễ Khai giảng năm học 2020-2021. Ảnh: Minh Thuận

Trong giai đoạn 2015-2020, ngành Giáo dục và Đào tạo đã tập trung đổi mới phương pháp dạy và học, hình thức và phương pháp thi, kiểm tra và đánh giá kết quả. Chất lượng giáo dục phổ thông được nâng cao, luôn duy trì ở tốp dẫn đầu toàn quốc về chất lượng và tỷ lệ đạt giải, trong 5 năm đã có 453 học sinh đạt giải kỳ thi học sinh giỏi THPT quốc gia; 11 học sinh đạt giải quốc tế (3 Huy chương Vàng; 3 Huy chương Bạc; 5 Huy chương Đồng); tại các kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia 5 năm qua, có 4 năm số điểm trung bình của tỉnh Nam Định đứng đầu toàn quốc, 1 năm đứng thứ nhì toàn quốc.

7. Các di sản văn hóa được bảo tồn và ngày càng phát huy giá trị

Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia - Lễ hội Chùa Keo Hành Thiện, xã Xuân Hồng (Xuân Trường) thu hút đông đảo nhân dân địa phương và du khách thập phương. Ảnh: Khánh Dũng
Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia - Lễ hội Chùa Keo Hành Thiện, xã Xuân Hồng (Xuân Trường) thu hút đông đảo nhân dân địa phương và du khách thập phương. Ảnh: Khánh Dũng

Thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 9-6-2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về “Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Nam Định”; công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa được đặc biệt quan tâm. Ủy ban nhân dân tỉnh đã phê duyệt, công bố danh mục di tích được kiểm kê với khoảng 1.350 di tích lịch sử - văn hoá trong tỉnh (trong đó 2 di tích xếp hạng quốc gia đặc biệt, 83 di tích xếp hạng quốc gia, 299 di tích xếp hạng cấp tỉnh). Nam Định có 9 di sản văn hóa phi vật thể được ghi vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và đặc biệt “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” đã được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Các di sản văn hóa phi vật thể được vinh danh đã phát huy giá trị góp phần quảng bá hình ảnh về văn hóa, con người Nam Định đến với nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế.

Các công trình văn hóa được tập trung thực hiện đảm bảo giữ gìn, phát huy giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, như: Khởi công và chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện Dự án đầu tư xây dựng khu Trung tâm lễ hội thuộc Khu di tích lịch sử - văn hóa thời Trần tại tỉnh Nam Định; Phê duyệt Quy hoạch phân khu vực Quần thể di tích lịch sử - văn hóa Phủ Dầy và phụ cận nhằm bảo tồn, tôn tạo phát huy giá trị; Hoàn thành dự án cải tạo nâng cấp một số hạng mục quần thể lưu niệm Tổng Bí thư Trường Chinh. 

8. Tích cực huy động các nguồn lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội

Một góc Khu đô thị Hòa Vượng (thành phố Nam Định). Ảnh: Viết Dư
Một góc Khu đô thị Hòa Vượng (thành phố Nam Định). Ảnh: Viết Dư

Tổng vốn đầu tư toàn xã hội trong 5 năm đạt khoảng 175 nghìn tỷ đồng, tăng bình quân 17,4%/năm. Thu hút đầu tư đạt kết quả nổi bật, trong giai đoạn 2015-2020 đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới và điều chỉnh tăng vốn cho 405 dự án đầu tư trong nước và 112 dự án FDI; với tổng giá trị đăng ký vốn đầu tư trên 32 nghìn tỷ đồng (tăng 2,7 lần so với nhiệm kỳ trước) và 3,5 tỷ USD vốn FDI (tăng 8 lần so với nhiệm kỳ trước). Hệ thống ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng hoạt động hiệu quả, không ngừng phát triển, giữ vai trò là kênh cung ứng nguồn vốn chủ yếu cho phát triển kinh tế; đến năm 2020, tổng dư nợ tín dụng đạt gần 72 nghìn tỷ đồng, tăng gấp 2,3 lần so với năm 2015; bình quân mỗi năm tăng 17,6%/năm.

Tỉnh đã ban hành cơ chế đầu tư hạ tầng các khu đô thị, khu dân cư tập trung nhằm huy động hiệu quả hơn nguồn lực từ quỹ đất. Đến nay, toàn tỉnh đã và đang triển khai được trên 70 dự án đầu tư khu đô thị, khu dân cư tập trung; số tiền thu được từ nguồn đấu giá đất đạt trên 2.000 tỷ đồng/năm. Nguồn lực từ đấu giá đất các khu đô thị, khu dân cư tập trung được phân cấp cho 100% các huyện, thành phố để tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, xây dựng nông thôn mới. 

Công tác xã hội hóa các nguồn lực để xây dựng các công trình xử lý rác thải, cung cấp nước sạch, xây dựng khu, cụm công nghiệp được đẩy mạnh. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xây dựng được 53 nhà máy sản xuất nước sạch; 186 công trình xử lý rác thải; các dự án đầu tư hạ tầng khu, cụm công nghiệp.

9. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, giữ vững môi trường ổn định phục vụ phát triển kinh tế - xã hội

Công an thành phố Nam Định ra quân mở đợt cao điểm vận động toàn dân giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ. Ảnh: Thu Thuỷ
Công an thành phố Nam Định ra quân mở đợt cao điểm vận động toàn dân giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ. Ảnh: Thu Thuỷ

Thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, lực lượng công an các cấp đã triển khai đồng bộ các biện pháp giữ vững tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, không để xảy ra đột xuất, bất ngờ. Tập trung đảm bảo tuyệt đối an toàn cho các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước về thăm và làm việc tại địa phương, các sự kiện lớn như: Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Đại hội đảng các cấp, Lễ khánh thành tượng đài Tổng Bí thư Trường Chinh… Chỉ đạo triển khai tốt phương án đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn giao thông trạm thu phí BOT Mỹ Lộc hoạt động trở lại; đảm bảo an ninh việc triển khai các dự án trọng điểm của tỉnh, các cuộc đấu giá quyền sử dụng đất. Triển khai quyết liệt kế hoạch phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm, tập trung điều tra, triệt phá nhanh các vụ án, chuyên án về hoạt động tín dụng đen, ma túy, sản xuất và lưu hành tiền giả… được dư luận quan tâm, đánh giá cao. Tăng cường các biện pháp đảm bảo trật tự, an toàn giao thông, trọng tâm là công tác tuyên truyền, tuần tra, xử lý nghiêm các vi phạm gắn với đấu tranh phòng, chống tội phạm… góp phần kiềm chế, làm giảm tai nạn giao thông hàng năm. Hoàn thành việc bố trí công an chính quy đảm nhiệm các chức danh công an xã, thị trấn, qua đó nâng cao chất lượng lực lượng công an tại cơ sở, đảm bảo an ninh trật tự ở nông thôn.

10. Tích cực, chủ động trong công tác phòng, chống đại dịch COVID-19

Làm xét nghiệm phát hiện SARS-CoV-2 trên hệ thống xét nghiệm sinh học phân tử Real-time PCR tại Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh.  Ảnh: Minh Tân
Làm xét nghiệm phát hiện SARS-CoV-2 trên hệ thống xét nghiệm sinh học phân tử Real-time PCR tại Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh.  Ảnh: Minh Tân

Ngay từ khi dịch COVID-19 mới xuất hiện, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương đã nhận định, đánh giá đây là dịch bệnh nguy hiểm, có khả năng lây lan nhanh ra cộng đồng và chưa có vắc-xin phòng ngừa. Thực hiện nghiêm chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 và hướng dẫn của các bộ, ngành Trung ương; Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch, quán triệt sâu sắc quan điểm “chống dịch như chống giặc” với nguyên tắc “ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch” theo phương châm 4 tại chỗ. Ngành Y tế, Công an, Quân đội là lực lượng nòng cốt, đi đầu trong thực hiện nhiệm vụ; đảm bảo chuẩn bị chu đáo các điều kiện sẵn sàng tiếp nhận, sàng lọc, điều trị bệnh nhân tại các cơ sở y tế, cơ sở cách ly tập trung. Cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận, tin tưởng và thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch của nhân dân. Đến nay, trên địa bàn tỉnh chưa ghi nhận trường hợp nào dương tính với COVID-19 trong cộng đồng. Tỉnh đã thiết lập trạng thái “bình thường mới”, vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, vừa phòng, chống dịch hiệu quả.

Trước những tác động lớn của đại dịch COVID-19 đến sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, đời sống của người dân; thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch và kịp thời chỉ đạo triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội. Kết quả đã thực hiện gia hạn thời hạn nộp thuế cho trên 800 doanh nghiệp, tổ chức với số tiền thuế gia hạn trên 150 tỷ đồng; hỗ trợ tiền điện cho các hộ sản xuất kinh doanh, hộ gia đình trên 80 tỷ đồng. Hỗ trợ khó khăn cho gần 260 nghìn đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ, với tổng kinh phí gần 300 tỷ đồng. Như vậy, nếu tính cả kinh phí hỗ trợ thiệt hại do dịch tả lợn châu Phi năm 2019 khoảng 530 tỷ đồng, thì tổng kinh phí đã hỗ trợ do ảnh hưởng của dịch bệnh trong 2 năm 2019, 2020 là trên 900 tỷ đồng. Đây là nỗ lực rất lớn của các cấp, các ngành trong việc triển khai thực hiện và cân đối nguồn lực kinh phí hỗ trợ, trong bối cảnh thu ngân sách giảm, điều hành ngân sách gặp rất nhiều khó khăn./.

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com