Hiện nay, trưởng thành sâu cuốn lá nhỏ lứa 6 đã và đang vũ hóa rộ, mật độ trứng trung bình 30-50 quả/m2, nơi cao 200-300 quả/m2. Dự báo, sâu non sẽ nở rộ từ ngày 26-8 đến 1-9, mật độ sâu phổ biến 50-100 con/m2, cao 300-400 con/m2, cục bộ lớn hơn 700 con/m2, phân bố trên diện rộng. Rầy nâu lứa 5 (chủ yếu rầy lưng trắng) sẽ nở rộ từ ngày 25 đến 31-8; dự kiến mật độ phổ biến 300-500 con/m2, nơi cao 1.000-2.000 con/m2, cục bộ có nơi trên 3.000 con/m2. Sâu đục thân 2 chấm có mật độ sâu non nơi có nguồn cao từ 0,5-1,0 con/m2, cao 2-3 con/m2, cá biệt 5-7con/m2 chủ yếu tuổi 4, 5, nhộng. Dự báo, sâu đục thân lứa 4 sẽ tập trung gây hại trên lúa mùa sớm trỗ bông cuối tháng 8, đầu tháng 9 ở những nơi có nguồn sâu cao. Bệnh lùn sọc đen phát sinh rải rác, nơi cao 0,3-0,5%; mức độ gây hại cao hơn cùng kỳ năm 2019. Bệnh khô vằn đã xuất hiện trên các trà lúa mùa với tỷ lệ bệnh nơi cao 3-5%, cá biệt 10-20%. Bệnh sẽ tiếp tục phát sinh, lây lan mạnh trên các trà lúa từ nay đến cuối vụ do có mưa nhiều ngày. Bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn đã bắt đầu xuất hiện trên các giống nhiễm như: Bắc thơm số 7, BC 15, lúa lai, Nếp...
Ðể đảm bảo giành kết quả cao trong sản xuất vụ mùa năm 2020, Chi cục Trồng trọt và BVTV đề nghị Phòng NN và PTNT; Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp các huyện, thành phố, Ban Nông nghiệp các xã, thị trấn tăng cường hướng dẫn nông dân kiểm tra đồng ruộng, phát hiện kịp thời diện tích lúa có mật độ sâu, rầy tới ngưỡng, tranh thủ thời tiết thuận lợi để phun thuốc kịp thời theo nguyên tắc “4 đúng”. Tổ chức đợt cao điểm phòng trừ dịch hại, phun trừ sâu cuốn lá nhỏ lứa 6 tập trung từ ngày 26-8 đến 1-9 cho diện tích có mật độ sâu lớn hơn 20 con/m2 trở lên; sử dụng thuốc có hoạt chất Indoxacarb, hoạt chất khác; sau phun 5 ngày nếu mật độ sâu sống lớn hơn 50 con/m2 cần phải phun lại. Phun trừ rầy lứa 5 kết hợp với sâu cuốn lá nhỏ cho những diện tích có mật độ rầy lớn hơn 30 con/khóm; sử dụng thuốc có hoạt chất Pymetrozine, Thiamethoxam và hoạt chất khác; sau 3 ngày phun thuốc, nếu mật độ rầy còn trên 30 con/khóm phải phun lại. Ðối với sâu đục thân 2 chấm lứa 4, phun thuốc khi lúa bắt đầu trỗ (trỗ 1-5% số bông) cho những diện tích có mật độ ổ trứng lớn 0,2 ổ/m2; nơi có mật độ trứng lớn hơn 1 ổ/m2 phải trừ kép; sử dụng thuốc có hoạt chất Chlorantraniliprole, Chlofenapyr. Phát hiện và phun trừ bệnh khô vằn cho những diện tích bệnh chớm xuất hiện hoặc đã phun nhưng bệnh chưa dừng; sử dụng thuốc có hoạt chất Pencycuron, Hexaconazole và hoạt chất khác. Ðối với bệnh đạo ôn cổ bông, phun phòng bệnh lúc lúa trỗ được 3-5% số bông (ruộng trỗ trước phun trước, ruộng trỗ sau phun sau) cho các giống nhiễm; sử dụng thuốc có hoạt chất Tricyclazole, hoạt chất khác; không nên sử dụng loại thuốc chỉ chứa 1 hoạt chất Isoprothiolane để phun phòng bệnh đạo ôn cổ bông. Nếu các đối tượng dịch hại cần phòng trừ xuất hiện cùng lúc có thể phối hợp các loại thuốc nhưng vẫn giữ nguyên nồng độ của mỗi loại. Khi sâu cuốn lá nhỏ và đục thân cùng xuất hiện, chỉ cần sử dụng thuốc trừ sâu đục thân khi lúa bắt đầu trỗ sẽ trừ được cả 2 đối tượng; trong thời gian 4 giờ sau phun gặp mưa phải phun trừ lại. Ðối với bệnh bạc lá, cần giữ đủ nước trong ruộng và không bón phân hay phun thuốc kích thích sinh trưởng. Theo dõi chặt chẽ bệnh lùn sọc đen, thường xuyên kiểm tra nhổ vùi dảnh, khóm lúa bị bệnh để hạn chế sự lây lan, phát tán nguồn bệnh. Tích cực tiêu diệt chuột bằng biện pháp thủ công, tuyệt đối không dùng điện và các biện pháp dễ gây nguy hiểm cho người, vật nuôi.
Tăng cường công tác quản lý Nhà nước về thuốc BVTV; kiểm soát, yêu cầu các đại lý, hộ kinh doanh thuốc BVTV cung ứng và tư vấn cho nông dân sử dụng những loại thuốc theo hướng dẫn của Chi cục Trồng trọt và BVTV./.
Văn Đại