Ngày 6-8, Chính phủ tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai kế hoạch thực thi Hiệp định Thương mại tự do giữa Cộng hòa XHCN Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA). Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị. Cùng dự, có Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương; các đại sứ, trưởng phái đoàn đại diện các nước EU; các hiệp hội, doanh nghiệp tiêu biểu Việt Nam và EU. Dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh ta có đồng chí Ngô Gia Tự, Ủy viên Ban TVTU, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; đại diện các sở, ngành chức năng.
Hiệp định thương mại EVFTA chính thức có hiệu lực từ ngày 1-8-2020, đánh dấu mốc quan trọng trong việc thúc đẩy quan hệ song phương Việt Nam và EU lên tầm cao mới cũng như mở ra cơ hội trao đổi hàng hóa giữa hai bên. Nhằm bảo đảm việc thực thi Hiệp định đầy đủ, đồng bộ và hiệu quả, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Kế hoạch thực thi Hiệp định với 5 nhóm nội dung lớn gồm: Công tác tuyên truyền, phổ biến thông tin về Hiệp định EVFTA và thị trường của các nước EU; công tác xây dựng pháp luật, thể chế; các biện pháp nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển nguồn nhân lực; chủ trương và chính sách đối với tổ chức công đoàn và các tổ chức của người lao động tại cơ sở doanh nghiệp; chính sách an sinh xã hội, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Các bộ, ngành và địa phương cũng có kế hoạch của bộ, ngành, địa phương mình đối với việc thực thi Hiệp định EVFTA. Các đại biểu tham dự hội nghị đã trao đổi, thảo luận đề xuất giải pháp cho 6 nhóm vấn đề lớn cần thực hiện gồm: Công tác truyền thông về hội nhập kinh tế quốc tế nói chung và FTA nói riêng; các giải pháp để tận dụng hiệu quả cam kết của Hiệp định; giải pháp về phát triển nguồn nhân lực cho doanh nghiệp; các yêu cầu về phát triển bền vững; vấn đề về phát triển hạ tầng cơ sở để đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh hiệu quả; vấn đề về cạnh tranh với các sản phẩm của EU trên thị trường nội địa.
Phát biểu kết thúc hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định EVFTA là một FTA thế hệ mới có tiêu chuẩn cao, toàn diện, độ mở lớn và cân bằng lợi ích cho cả hai bên. Hiệp định có thể góp phần giúp GDP tăng bình quân lên đến 3,2% trong giai đoạn 5 năm đầu thực hiện, lên đến 5,3% cho 5 năm tiếp theo và lên đến 7,72% cho 5 năm sau đó. Với cam kết mở cửa thị trường mạnh mẽ, xóa bỏ thuế nhập khẩu lên tới gần 100% biểu thuế của EU, EVFTA dự kiến sẽ mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam tăng kim ngạch xuất khẩu sang EU thêm khoảng 42% vào năm 2025 và gần 45% vào năm 2030 so với kịch bản không có Hiệp định và tăng thu hút đầu tư FDI vào Việt Nam. Không chỉ thế, Hiệp định còn giúp tăng thêm gần 150 nghìn việc làm mỗi năm. Tuy nhiên EU luôn là một thị trường có yêu cầu khắt khe về chất lượng và tiêu chuẩn cao đối với hàng hóa, dịch vụ, nơi “không có chỗ cho những doanh nghiệp thiếu kiên trì, không sáng tạo, hàng hóa kém chất lượng”. Do đó, EVFTA mở ra cơ hội để Việt Nam đổi mới mô hình tăng trưởng, thúc đẩy các doanh nghiệp Việt Nam tự nâng cấp chính mình, chấp nhận những luật chơi mới khó hơn để tiến sâu hơn, vươn lên những công đoạn có giá trị cao hơn trong chuỗi cung ứng, chuỗi phân phối của EU và toàn cầu. Điều này còn có ý nghĩa quan trọng với Việt Nam trong bối cảnh nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn của EU đang có sự dịch chuyển đầu tư, đa dạng hóa các chuỗi cung ứng sản xuất hàng hóa. Do đó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải đưa ra những biện pháp tích cực triển khai kế hoạch thực thi Hiệp định EVFTA hiệu quả cho doanh nghiệp và người dân; thường xuyên kiểm tra, đánh giá kết quả thực thi nhiệm vụ. Tăng cường phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương để triển khai hiệu quả Hiệp định, tạo ra một môi trường cạnh bình đẳng, lành mạnh cho hàng hóa của cả hai bên. Các doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề là chủ thể quyết định thành công của hội nhập nên cần chủ động nâng cao năng lực cạnh tranh cả về tổ chức bộ máy, nguồn nhân lực, sản phẩm hàng hóa để đáp ứng yêu cầu hội nhập./.
Nguyễn Hương