Thủ tướng chủ trì họp trực tuyến với các địa phương về thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công

05:07, 16/07/2020

Sáng 16-7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì họp trực tuyến giữa Thường trực Chính phủ với các địa phương về thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công (VĐTC). Dự hội nghị có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình; Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh; các đồng chí Ủy viên BCH Trung ương Đảng: Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng; lãnh đạo các bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương. Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh ta có các đồng chí: Đoàn Hồng Phong, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh; Phạm Đình Nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Ngô Gia Tự; Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Khương Thị Mai; lãnh đạo các sở, ngành liên quan.

Các đồng chí: Đoàn Hồng Phong, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh; Phạm Đình Nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh dự hội nghị tại điểm cầu Nam Định.
Các đồng chí: Đoàn Hồng Phong, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh; Phạm Đình Nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh dự hội nghị tại điểm cầu Nam Định.

Trong điều kiện tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm đạt thấp, việc đẩy mạnh đầu tư công được Chính phủ xác định là một trong những giải pháp quan trọng ưu tiên để hỗ trợ thúc đẩy kinh tế tăng trưởng. Mặc dù các cấp, các ngành và địa phương đã quyết liệt chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ giải ngân VĐTC nhưng kết quả thực hiện trong 6 tháng đầu năm vẫn thấp so với yêu cầu. Theo báo cáo của Bộ Tài chính, ước giải ngân 6 tháng đầu năm là 159.397,188 tỷ đồng, đạt 33,9% kế hoạch, tăng khoảng 8% so cùng kỳ năm 2019, tuy nhiên còn khối lượng rất lớn vốn chưa được các cấp, các ngành giải ngân. Có 3 bộ, cơ quan Trung ương và 9 địa phương có tỷ lệ giải ngân trên 50%; 33 bộ, cơ quan Trung ương và 3 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 20%, trong đó, có 7 bộ, cơ quan Trung ương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 5%.

Tính toán của Tổng cục Thống kê cho kết quả, cứ 1% vốn đầu tư thì sẽ góp phần tăng GDP 0,06%, vì vậy để thực hiện mục tiêu giải ngân đạt 100% khối lượng vốn năm 2020, tại hội nghị, đại diện các bộ, ngành, địa phương đã tập trung thảo luận các nhóm vấn đề gồm: Tìm nguyên nhân khách quan, chủ quan khiến kết quả giải ngân VĐTC chậm; chú trọng xác định các vướng mắc về thể chế pháp luật trong thực thi nhiệm vụ giải ngân VĐTC; đề xuất các chế tài xử lý người đứng đầu để nâng cao trách nhiệm trong vấn đề chậm giải ngân VĐTC nhằm giải quyết dứt điểm, không để tồn tại “3 cái đọng” là vốn đọng, nợ đọng, thủ tục đọng... Trong đó, xác định rõ 3 nguyên nhân chủ quan chủ yếu cần tập trung tháo gỡ, xử lý dứt điểm gồm: Công tác lập kế hoạch chưa sát với thực tế và khả năng giao vốn, khả năng giải ngân vốn dẫn đến không phân bổ được hết số vốn kế hoạch. Công tác tổ chức triển khai thực hiện tại các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương còn nhiều bất cập; các cấp, các ngành chưa thực sự vào cuộc, vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu chưa được đề cao, chưa rõ nét; công tác tuyên truyền đến người dân về chính sách bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng chưa bảo đảm minh bạch, công bằng; người dân chưa đồng thuận, khiếu kiện về chính sách đền bù, yêu cầu xác định giá bồi thường sát giá thị trường; công tác đôn đốc nhà thầu triển khai thi công chưa quyết liệt và hiệu quả. Nguyên nhân giải ngân chậm nguồn vốn ODA có nhiều đặc thù, nhiều dự án lớn đang phải thực hiện các thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh hiệp định vay với nước ngoài nên chưa đủ cơ sở pháp lý để triển khai hoạt động, dẫn đến chưa thể lập hồ sơ rút vốn; Công tác chuẩn bị đầu tư dự án không kỹ dẫn đến chậm thực hiện dự án đã ảnh hưởng lớn đến tiến độ triển khai dự án, phải điều chỉnh lại thiết kế, tăng chi phí, phải tiến hành các thủ tục gia hạn thời gian thực hiện dự án, nhiều dự án không được bố trí vốn đối ứng đầy đủ, kịp thời đã ảnh hưởng đến khả năng hấp thụ, giải ngân vốn nước ngoài.

Phát biểu chỉ đạo về các biện pháp cần tập trung thực hiện để thúc đẩy giải ngân VĐTC, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ, ngành, địa phương bên cạnh việc tập trung công tác chuẩn bị đại hội đảng bộ các cấp phải xác định giải ngân VĐTC là nhiệm vụ then chốt trong bối cảnh hiện nay nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Để thực hiện mục tiêu giải ngân đạt 100% khối lượng vốn năm nay, cần tập trung thực hiện các giải pháp sau: Thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp, tháo gỡ kịp thời các rào cản, khó khăn vướng mắc, khơi thông điểm nghẽn để đẩy nhanh tiến độ giải ngân VĐTC quy định tại Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29-5-2020 của Chính phủ, các Nghị quyết Phiên họp Chính phủ thường kỳ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Hoàn thành việc giao kế hoạch vốn chi tiết cho các chương trình, dự án để giải ngân trước ngày 31-7-2020. Chủ động ban hành kế hoạch và giải pháp cụ thể tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc đền bù, giải phóng mặt bằng, đấu thầu..., đẩy nhanh tiến độ thi công công trình, dự án; kế hoạch giải ngân và cam kết của chủ đầu tư đối với tiến độ giải ngân của từng dự án (trường hợp giải ngân không đạt tiến độ, xem xét điều chuyển vốn cho dự án có tiến độ giải ngân tốt, có nhu cầu bổ sung vốn để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án; xem xét điều chuyển chủ đầu tư dự án theo thẩm quyền). Phân công lãnh đạo chịu trách nhiệm theo dõi tiến độ thực hiện, lập kế hoạch giải ngân của từng dự án, đôn đốc, kịp thời tháo gỡ khó khăn và chịu trách nhiệm về kết quả giải ngân của từng dự án, coi đây là căn cứ đánh giá mức độ hoàn thành công việc được giao trong năm 2020./.

Tin, ảnh: Thanh Thúy



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com