Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc với các địa phương

08:07, 02/07/2020

Ngày 2-7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì hội nghị trực tuyến giữa Chính phủ với các bộ, ngành, địa phương đánh giá tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2020. Dự hội nghị có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình; Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh; các đồng chí Ủy viên BCH Trung ương Đảng: Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng; lãnh đạo các bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương. Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh ta có các đồng chí: Đoàn Hồng Phong, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh; Phạm Đình Nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh: Nguyễn Phùng Hoan, Trần Lê Đoài; Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Khương Thị Mai; lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan.

Các đồng chí: Đoàn Hồng Phong, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh; Phạm Đình Nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh dự hội nghị tại điểm cầu Nam Định.
Các đồng chí: Đoàn Hồng Phong, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh; Phạm Đình Nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh dự hội nghị tại điểm cầu Nam Định.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 6 tháng đầu năm, với sự chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ của các cấp chính quyền; sự quyết tâm, đồng lòng của toàn thể nhân dân, nước ta đã sớm ngăn chặn, kiểm soát dịch bệnh COVID-19. Tuy nhiên, trên thế giới dịch bệnh còn rất phức tạp, tiếp tục lây lan với tốc độ nhanh; ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế, thương mại toàn cầu. Tăng trưởng GDP quý II của nước ta chỉ đạt 0,36%. So với cùng kỳ năm ngoái, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng giảm 0,8% so với cùng kỳ; xuất khẩu hàng hóa giảm 1,1%; nhập khẩu giảm 3% so với cùng kỳ; tình hình đăng ký doanh nghiệp sụt giảm; các doanh nghiệp trong lĩnh vực vận tải hàng không, du lịch, xuất nhập khẩu... gặp rất nhiều khó khăn về vốn. 

Tuy nhiên nhìn tổng thể 6 tháng đầu năm nước ta có một số điểm sáng quan trọng: Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân tăng 4,19%. Xuất siêu đạt 4 tỷ USD. Sức mua của thị trường trong nước dần phục hồi nhưng vẫn còn yếu do thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh giảm và tâm lý tiết kiệm chi tiêu. Tình hình phát triển doanh nghiệp trong tháng 6 có tín hiệu khả quan, số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động thuộc các ngành dịch vụ chịu ảnh hưởng bởi dịch và biện pháp giãn cách xã hội tăng cao so với tháng 5; Khu vực nông nghiệp phát triển ổn định, vẫn là bệ đỡ quan trọng cho nền kinh tế. Tín dụng cho nền kinh tế tính đến ngày 23-6 tăng 2,71% so với cùng kỳ. Huy động vốn đầu tư phát triển toàn xã hội có xu hướng phục hồi, ước tăng 3,4% so với cùng kỳ. Cân đối thu chi ngân sách Nhà nước vẫn bảo đảm. Giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng đầu năm ước đạt 156 nghìn tỷ đồng, cao hơn so với cùng kỳ nhưng vẫn chưa đạt yêu cầu đề ra, bằng 33,1% kế hoạch. Trong đại dịch, toàn quốc chỉ có 12/63 tỉnh, thành phố tăng trưởng âm. GDP của nước ta tiếp tục duy trì được mức tăng trưởng dương (1,81%). Mức tăng trưởng GDP thấp nhất trong 30 năm qua nhưng đây là kết quả khả quan trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới tăng trưởng âm; giúp nước ta giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm được các cân đối lớn của nền kinh tế, bảo đảm an sinh, trật tự an toàn xã hội. Hiện đã cơ bản thực hiện thành công nhiệm vụ kép, vừa kiểm soát dịch thành công vừa phục hồi nền kinh tế ở mức hợp lý, trạng thái bình thường mới dần được thiết lập trong mọi hoạt động kinh tế - xã hội. Kết quả đạt được đã thể hiện các chính sách được ban hành và được thực thi hiệu quả; giúp thế giới đánh giá cao năng lực chỉ đạo và công tác kiểm soát dịch bệnh của Chính phủ, nhân dân Việt Nam. 

Trong bối cảnh kinh tế thế giới, đặc biệt là các đối tác lớn, quan trọng của nước ta xấu đi nhanh chóng do dịch COVID-19, do đó tình hình 6 tháng cuối năm dự báo sẽ rất thách thức, sức ép về kiểm soát lạm phát là rất lớn, thị trường đầu ra cho sản xuất, kinh doanh, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo, dệt may, da giày... còn gặp rất nhiều khó khăn. Để thiết lập, triển khai các chính sách, giải pháp thiết thực, hiệu quả trong điều hành, thực thi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng cuối năm, tại hội nghị, đại diện các bộ, ngành địa phương đã tập trung thảo luận 7 vấn đề trọng tâm theo gợi ý của Thủ tướng Chính phủ, gồm: Nhận diện, xác định rõ các rủi ro trong và ngoài nước trong điều kiện kinh tế vĩ mô vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro (giá dầu thô biến động mạnh, giá thịt lợn còn cao, rủi ro tỷ giá, thương mại, đầu tư, tài chính, tiền tệ quốc tế gia tăng...) để có biện pháp điều hành đồng bộ, hiệu quả, kịp thời; thống nhất chủ trương điều hành linh hoạt các công cụ tài chính, chính sách tài khóa, tiền tệ để kích thích tăng trưởng, không thể đi ngược thời đại, xu hướng chung; nâng cao hiệu quả giải ngân vốn đầu tư công; biện pháp mở rộng thị trường quốc tế, thúc đẩy thị trường trong nước, kích cầu tiêu dùng nội địa; rà soát, hoàn thiện các quy định pháp luật và cắt giảm thủ tục hành chính theo hướng tạo thuận lợi tiết giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp; chỉ đạo phát triển một số lĩnh vực kinh tế mới như kinh tế ban đêm, kinh tế số, kinh tế đô thị; thu hút mạnh mẽ đầu tư xã hội, đầu tư tư nhân, nguồn vốn FDI và phát huy hơn nữa vai trò của các địa phương. Bên cạnh đó, các bộ, ngành, địa phương cũng đề xuất phương án để phát huy vai trò, động lực của các địa phương, nhất là các “đầu tàu kinh tế”, các vùng kinh tế trọng điểm, các tỉnh, thành phố lớn; kiến nghị một số giải pháp nâng  cao hiệu quả triển khai thực hiện Chỉ thị số 11, Nghị quyết số 42, Quyết định số 15.

Phát biểu chỉ đạo về các biện pháp cần tập trung thực hiện trong bối cảnh hiện nay, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý các địa phương cần bình tĩnh, chủ động, vững tin trong nhận định, đánh giá tình hình, không chủ quan nhưng nhất định không được bi quan. Trước hết, không để dịch COVID-19 quay trở lại; đồng thời phải tận dụng tốt cơ hội để phục hồi, tiến công mạnh mẽ phát triển nền kinh tế - xã hội, đảm bảo đời sống nhân dân. Để kích thích tăng trưởng, phục hồi nhanh và thúc đẩy phát triển kinh tế, các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và địa phương cần tập trung cao độ; nghiêm túc, quyết liệt, khẩn trương, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các giải pháp đề ra tại các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó cần tập trung xây dựng và quán triệt phương châm hành động mới để phục hồi và phát triển kinh tế. Nghiên cứu, đề xuất Chính phủ trình Ban Bí thư thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia chống suy thoái kinh tế sau đại dịch COVID-19 do Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng ban, thành viên là đại diện từ các cơ quan trong hệ thống chính trị để quyết tâm sớm triển khai kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ và phục hồi tăng trưởng cho nền kinh tế. Khẩn trương tổ chức các Đoàn công tác của Chính phủ, đoàn công tác liên ngành và của từng bộ, ngành kiểm tra, làm việc cụ thể với các vùng động lực, địa phương lớn để trực tiếp chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, giải quyết các vấn đề hỗ trợ tăng trưởng. Tập trung rà soát nhằm phát huy mọi dư địa tăng trưởng trong từng ngành, lĩnh vực, địa phương, từng dự án lớn, trọng điểm. Tiếp tục triển khai mạnh mẽ các chính sách tiền tệ hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Tập trung thực hiện các giải pháp về lao động, việc làm. Khẩn trương chuẩn bị các điều kiện và tăng cường xúc tiến thu hút có chọn lọc và hợp tác đầu tư nước ngoài. Đẩy mạnh thu hút và giải ngân vốn đầu tư toàn xã hội, đặc biệt là vốn đầu tư công, coi đây là giải pháp trọng yếu để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong 6 tháng cuối năm. Rà soát kỹ để nhanh chóng xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn mua bán, sáp nhập, nhất là đối với các doanh nghiệp có vai trò thiết yếu trong nền kinh tế theo hướng phù hợp trong tình hình mới./.

Tin, ảnh: Thanh Thúy



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com