Hội nghị trực tuyến toàn quốc phiên toàn thể Diễn đàn cấp cao về Năng lượng Việt Nam 2020

07:07, 22/07/2020

Ngày 22-7, Ban Kinh tế Trung ương và Chính phủ đồng chủ trì tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc phiên toàn thể Diễn đàn cấp cao Năng lượng Việt Nam 2020; triển khai Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11-2-2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Tham dự Diễn đàn có các đồng chí: Nguyễn Văn Bình, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; Trịnh Đình Dũng, Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ cùng nhiều lãnh đạo bộ, ban, ngành Trung ương và đại biểu các địa phương. Dự Diễn đàn tại điểm cầu tỉnh ta có đồng chí Ngô Gia Tự, Ủy viên Ban TVTU, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo một số sở, ngành liên quan.

Phát triển năng lượng giữ vai trò trọng yếu và có tính tiên phong, nền tảng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; có ý nghĩa chiến lược để công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; gắn liền với chính trị, ngoại giao, bảo đảm an ninh, quốc phòng, bảo vệ môi trường sinh thái. Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách phát triển năng lượng. Sau hơn 30 năm đổi mới, ngành năng lượng Việt Nam đã có đóng góp hết sức xứng đáng. Đến nay đất nước đang chuyển sang một giai đoạn thay đổi về chất đòi hỏi ngành năng lượng phải có những bước phát triển mới. Trước tình hình đó, ngày 11-2-2020, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 55-NQ/TW về định hướng Chiến lược năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 với 5 quan điểm chỉ đạo toàn diện và sâu sắc. Trong đó, có 2 quan điểm then chốt là: Ưu tiên phát triển ngành năng lượng nhanh, bền vững, đi trước một bước, gắn với bảo đảm môi trường sinh thái, bảo đảm quốc phòng an ninh, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước; Phát triển năng lượng quốc gia phải phù hợp với thể chế kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa và xu thế hội nhập quốc tế. 

Trong khuôn khổ Diễn đàn, các đại biểu đã đánh giá sự phối hợp giữa các bộ, ngành Trung ương, địa phương; mối quan hệ hữu cơ tác động đến các đối tượng chịu tác động của chính sách từ Nhà nước, doanh nghiệp, người dân đến các tổ chức xã hội nghề nghiệp trong quá trình phát triển năng lượng đất nước. Nhiều diễn giả, chuyên gia trong ngành năng lượng; các doanh nghiệp trong và ngoài nước đã đưa ra các giải pháp nhằm triển khai kịp thời, hiệu quả Nghị quyết số 55-NQ/TW: xác định rõ các nhiệm vụ cụ thể trong từng giai đoạn để thể chế hóa chủ trương Nghị quyết; đề xuất hoàn thiện các cơ chế chính sách để tạo điều kiện phát triển năng lượng; các giải pháp thúc đẩy ngành năng lượng phát triển nhanh và bền vững như: xây dựng thị trường năng lượng đồng bộ, cạnh tranh, minh bạch, đa dạng hóa hình thức sở hữu và phương thức kinh doanh; phương án khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế, nhất là kinh tế tư nhân tham gia phát triển năng lượng... Các đại biểu cũng chia sẻ, trải nghiệm các công nghệ mới, tham khảo các kinh nghiệm, cách làm hay trong phát triển năng lượng của các địa phương, các quốc gia trên thế giới. Tại Diễn đàn đã tiến hành ký kết các biên bản ghi nhớ, hợp tác giữa các bộ, ngành, địa phương với các nhà đầu tư trong và ngoài nước về phát triển năng lượng.

Phát biểu tại hội nghị, các đồng chí Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình và Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh, Nghị quyết 55 đã có nhiều đột phá trong phát triển năng lượng quốc gia như ưu tiên phát triển năng lượng nhanh và bền vững; rà soát, bổ sung, điều chỉnh các cơ chế, chính sách đặc thù cho một số dự án năng lượng quan trọng, đặc biệt đối với các dự án đầu tư nguồn điện cấp bách. Một điểm nhấn được đặt ra trong Nghị quyết 55 là khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi để kinh tế tư nhân tham gia vào công cuộc phát triển năng lượng. Nghị quyết đã nêu rõ các định hướng quan trọng, nguyên tắc mục tiêu để tiếp tục xóa bỏ rào cản, tạo môi trường thuận lợi, minh bạch, thông thoáng cho tất cả các ngành kinh tế, nhất là khu vực tư nhân tham gia các lĩnh vực tiềm năng nói chung và năng lượng nói riêng. Sau Diễn đàn, Chính phủ tiếp tục hoàn thiện chương trình hành động, các cơ chế, chính sách để triển khai cụ thể hóa các quan điểm, chủ trương của Nghị quyết 55. Vì vậy với trách nhiệm là cơ quan tham mưu chiến lược của Đảng về các chủ trương, chính sách lớn trong phát triển kinh tế - xã hội, Ban Kinh tế Trung ương sẽ tổng hợp đầy đủ các ý kiến trao đổi tại phiên toàn thể Diễn đàn cấp cao Năng lượng Việt Nam 2020 và 4 hội thảo chuyên đề diễn ra trong buổi chiều 22-7 để báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư những vấn đề trọng tâm cần xử lý sớm khi triển khai thực hiện Nghị quyết 55. Để đưa Nghị quyết 55 vào cuộc sống một cách đồng bộ, thiết thực, hiệu quả, cần sự vào cuộc mạnh mẽ của toàn diện Chính phủ, các bộ, ngành, các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và toàn thể xã hội. Trong đó, các bộ, ban, ngành, địa phương, các doanh nghiệp, đơn vị liên quan phải tăng cường phối hợp một cách mật thiết để tập trung thực hiện các khâu: Tuyên truyền, phổ biến Nghị quyết; triển khai thực hiện Nghị quyết; hướng dẫn kiểm tra, giám sát việc thực hiện Nghị quyết./.

Thanh Thúy



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com