Chiều 29-7, Đoàn kiểm tra số 03 của Ban Chỉ đạo Trung ương do đồng chí Lê Vĩnh Tân, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Ủy viên Ban Cán sự Đảng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ làm Trưởng đoàn đã làm việc với Ban TVTU về tổng kết 10 năm thực hiện Quyết định số 290-QĐ/TW ngày 25-2-2010 của Bộ Chính trị (khóa X) về Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị. Tham gia Đoàn kiểm tra còn có các đồng chí: Thiếu tướng Trần Quốc Tỏ, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an; Nguyễn Phước Lộc, Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương, Phó trưởng đoàn kiểm tra; lãnh đạo một số ngành của Trung ương. Tiếp và làm việc với Đoàn, có các đồng chí: Đoàn Hồng Phong, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh; Trần Văn Chung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Phạm Đình Nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí trong Ban TVTU; lãnh đạo Ủy ban MTTQ tỉnh, Công an tỉnh, Sở Nội vụ, Tòa án nhân dân tỉnh.
Đồng chí Đoàn Hồng Phong, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh phát biểu tại buổi làm việc. |
Tại buổi làm việc, đồng chí Trần Văn Chung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đã báo cáo với Đoàn kiểm tra kết quả 10 năm thực hiện Quyết định số 290-QĐ/TW của Bộ Chính trị (khóa X). Triển khai thực hiện Quyết định số 290-QĐ/TW, nhận thức về vị trí, vai trò cũng như trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, cơ quan, ban, ngành, đoàn thể và lực lượng vũ trang, của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu về công tác dân vận không ngừng được nâng lên. Ban TVTU đã chỉ đạo các cấp ủy Đảng phân công lãnh đạo trực tiếp phụ trách công tác dân vận; hàng năm, tổ chức rà soát, kiện toàn đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận các cấp; bố trí, phân công cán bộ, đảng viên có năng lực đảm nhiệm các chức danh chủ chốt của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội. Đến nay, tỉnh cũng đã hoàn thành triển khai việc gửi, nhận văn bản điện tử có ký số trên trục liên thông văn bản quốc gia. Duy trì quản lý, thường xuyên cập nhật, nâng cao chất lượng hoạt động của cổng thông tin điện tử, cổng dịch vụ công trực tuyến. Thành lập và đưa vào hoạt động Trung tâm Phục vụ Hành chính công nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp khi thực hiện các thủ tục hành chính với cơ quan Nhà nước. Rà soát, sửa đổi, bổ sung toàn bộ thủ tục hành chính của tỉnh. Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) năm 2019 đứng thứ 39/63 tỉnh, thành phố. Nghiên cứu ban hành danh mục thủ tục hành chính thực hiện theo hình thức trực tuyến mức độ 3, 4, thủ tục hành chính liên thông. 100% cơ quan hành chính Nhà nước các cấp, các ngành trong tỉnh thực hiện theo cơ chế “Một cửa”; “Một cửa liên thông”. Hoàn thành sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2019-2021. Hoàn thành trước thời hạn phê duyệt các đề án sắp xếp tổ chức lại, chuyển sang tự chủ kinh phí trong năm 2019 đối với các đơn vị sự nghiệp theo Nghị quyết số 19-NQ/TW của BCH Trung ương Đảng (khóa XII); đến hết năm 2019, giảm 199 đầu mối (kế hoạch là giảm 172 đầu mối). Việc quản lý biên chế của tỉnh đã thực hiện nghiêm túc các quy định của Bộ Nội vụ, Chính phủ. Các cơ quan, đơn vị đều sử dụng đúng theo định mức biên chế, số lượng người làm việc được cơ quan có thẩm quyền giao. Ban hành Quy định quản lý tổ chức bộ máy và cán bộ, công chức, viên chức, giáo viên mầm non hợp đồng, lao động hợp đồng trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập; người giữ chức danh, chức vụ trong doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp có vốn góp của Nhà nước thuộc tỉnh. Việc thực hiện tinh giản biên chế ở các cơ quan, đơn vị đã tích cực, chủ động thực hiên chủ trương tinh giản biên chế của Đảng và Nhà nước. Các đơn vị đã trình UBND tỉnh quyết định phê duyệt Đề án tinh giản biên chế đến năm 2021, đảm bảo giảm 10% biên chế công chức. Bên cạnh đó, nhiều mô hình “Dân vận khéo” đã phát huy hiệu quả trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần hoàn thành nhiệm vụ công tác dân vận và nhiệm vụ chính trị ở địa phương, cơ sở trong giai đoạn hiện nay. Đến nay, toàn tỉnh xây dựng được 3.545 mô hình, điển hình “Dân vận khéo”. Trong đó, có 1.081 mô hình, điển hình về phát triển kinh tế, 1.081 mô hình về lĩnh vực văn hóa - xã hội, 466 mô hình về an ninh - quốc phòng và 917 mô hình về xây dựng hệ thống chính trị. Riêng về mô hình xây dựng NTM có đến 683 mô hình, điển hình. Tỉnh đã huy động cao các nguồn lực của tỉnh, của các địa phương và đóng góp của nhân dân (bằng tiền, công lao động, góp đất, vật tư…) kết hợp lồng ghép vốn từ các chương trình mục tiêu.
Thời gian tới, Tỉnh ủy tiếp tục đề ra các nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện Quyết định 290-QĐ/TW của Bộ Chính trị (khóa X). Trong đó, các cấp ủy đảng tăng cường chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW, ngày 3-6-2013 của BCH Trung ương Đảng (khóa XI) về việc “Tăng cường và đổi mới công tác dân vận trong tình hình mới” và Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị gắn với việc thực hiện Nghị quyết 04-NQ/TW của BCH Trung ương Đảng (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đẩy mạnh phong trào thi đua “Dân vận khéo” trở thành phong trào thi đua yêu nước rộng khắp trong các cấp, các ngành; các địa phương, đơn vị và các tầng lớp nhân dân. MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội tăng cường đổi mới phương thức hoạt động; chủ động, sáng tạo trong tập hợp, vận động các tầng lớp nhân dân; hướng mạnh về cơ sở theo hướng sát, nắm, hiểu và phục vụ nhân dân; nâng cao chất lượng các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước. Nâng cao chất lượng, hiệu quả đồng đều trong việc thực hiện Quy chế dân chủ (QCDC) ở các loại hình cơ sở. Các cấp chính quyền và cơ quan hành chính Nhà nước tăng cường đổi mới công tác dân vận và thực hiện QCDC đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới. Tiếp tục mở rộng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Chú trọng xây dựng, củng cố tổ chức, bộ máy, đội ngũ cán làm công tác dân vận các cấp theo hướng tinh gọn, hiệu quả, vững mạnh; kiện toàn tổ chức, bộ máy và cán bộ của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội, đáp ứng yêu cầu về trình độ lý luận, năng lực thực tiễn và kỹ năng công tác vận động nhân dân. Thường xuyên phối hợp giữa cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội trong giải quyết các công việc liên quan đến nhân dân nhằm củng cố vững chắc niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, đồng chí Bộ trưởng Bộ Nội vụ đánh giá cao kết quả thực hiện Quyết định 290-QĐ/TW của tỉnh, đặc biệt là thực hiện công tác dân vận trong xây dựng NTM, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và nhấn mạnh: Thời gian tới, tỉnh cần tiếp tục tuyên truyền thực hiện các nội dung của Quyết định 290 nói riêng, các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về thực hiện công tác dân vận; có giải pháp quyết liệt, tập trung cao trong công tác phòng, chống dịch COVID- 19; bảo đảm tổ chức tốt Đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025; chuẩn bị cho công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Chỉ đạo rà soát lại các văn bản do địa phương ban hành; tích cực quán triệt, triển khai, đưa các văn bản quy phạm pháp luật mới đi vào cuộc sống; tăng cường công tác giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo ngay từ cơ sở không để phát sinh thành điểm nóng. Tiếp tục phát huy hiệu quả công tác dân vận chính quyền, cải cách thủ tục hành chính; tạo sự đồng thuận của nhân dân trong việc tham gia hoạch định và thực hiện chính sách ở địa phương. Chỉ đạo nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến trong phong trào dân vận khéo, qua đó tạo niềm tin trong nhân dân, xây dựng tỉnh Nam Định ngày càng giàu mạnh.
Thay mặt Ban TVTU, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đoàn Hồng Phong cảm ơn sự quan tâm, những ý kiến đóng góp của đoàn kiểm tra và cá nhân đồng chí Lê Vĩnh Tân. Ban TVTU sẽ nghiêm túc tiếp thu, tiếp tục nghiên cứu để cụ thể hóa thành kế hoạch, chương trình hành động của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các sở, ban, ngành, đoàn thể, các địa phương./.
Tin, ảnh: Hoàng Tuấn