Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở NN và PTNT) hiện rầy lưng trắng trưởng thành đang xuất hiện rải rác, trung bình 0,1-0,2 con/m2, nơi cao 0,5-1 con/m2. Rầy lứa 4 sẽ nở rộ từ cuối tháng 7, dự báo mật độ rầy trung bình 100-200 con/m2, nơi cao 300-500 con/m2, cá biệt 700-1.000 con/m2.
Trước tình hình trên, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đã có văn bản hướng dẫn các địa phương tập trung phòng, chống dịch hại đầu vụ mùa năm 2020. Các địa phương đã phun thuốc trừ rầy tiễn chân cho 1.495ha mạ và thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, theo dõi sát diễn biến của rầy lưng trắng (nhất là rầy di trú trên lúa chét, mạ và rầy lứa 4); tổ chức thu thập mẫu rầy, mẫu cây lúa (mạ) có biểu hiện triệu chứng của bệnh lùn sọc đen để xét nghiệm, phát hiện virus gây bệnh. Phối hợp với UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các xã, thị trấn, các HTX dịch vụ nông nghiệp hướng dân nông dân phun tiễn chân mạ trước khi nhổ mạ cấy từ 2-3 ngày; trừ rầy trên những diện tích ruộng bỏ hoang bằng thuốc đặc hiệu để chống rầy xâm nhập, lây truyền bệnh lùn sọc đen. Ðối với lúa gieo sạ, bà con nông dân cần chủ động xử lý hạt giống phun thuốc trừ rầy sau khi xuống giống từ 15 đến 20 ngày (khi trên ruộng có mật độ rầy và mẫu rầy phân tích có kết quả dương tính bệnh lùn sọc đen). Tổ chức thu thập mẫu rầy, mẫu lúa để giám định virus lùn sọc đen. Thời gian tới các địa phương cần theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, thủy văn; tiếp tục phân công cán bộ kỹ thuật bám sát đồng ruộng để điều tra, giám sát và phát hiện kịp thời các loại sâu bệnh, nhất là bệnh lùn sọc đen; tổ chức phun trừ rầy lứa 4 từ cuối tháng 7, đầu tháng 8; rầy lứa 5 cuối tháng 8, đầu tháng 9. Lựa chọn bộ thuốc có hiệu lực trừ rầy cao và ít ô nhiễm môi trường để phun theo nguyên tắc “4 đúng”./.
Văn Đại