Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở NN và PTNT) vừa tổ chức kỷ niệm 70 năm ngày thành lập ngành (11-7-1950 - 11-7-2020). Đồng chí Nguyễn Phùng Hoan, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh tới dự.
Đồng hành cùng với sự trưởng thành, phát triển của ngành Thú y cả nước, ngành Thú y Nam Định cũng đã đạt được những thành tích đáng ghi nhận. Những năm gần đây, công tác phát triển chăn nuôi của tỉnh có sự tăng trưởng mạnh cả về quy mô, cơ cấu và chất lượng đàn vật nuôi, đồng thời có sự chuyển dịch tích cực theo hướng sản xuất hàng hoá mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đàn trâu bò duy trì 37-38 nghìn con; đàn lợn duy trì 750-800 nghìn con, trong đó có 120-130 nghìn con lợn nái; đàn gia cầm duy trì 7,5-8,5 triệu con. Chăn nuôi trang trại, khu chăn nuôi tập trung đang được mở rộng, tạo cơ sở hình thành các chuỗi liên kết trong sản xuất. Giá trị sản xuất ngành chăn nuôi luôn duy trì mức tăng trưởng từ 3-5%/năm; tỷ trọng chăn nuôi chiếm 43-45% giá trị sản xuất nội ngành Nông nghiệp. Những sản phẩm chăn nuôi là thế mạnh của địa phương như: lợn thịt, lợn sữa, gà thịt, gà đẻ trứng, ngao, tôm… tiếp tục được duy trì, phát triển; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, tiến bộ kỹ thuật, quy trình VietGAP trong chăn nuôi để nâng cao giá trị sản phẩm; giảm thiểu sử dụng các loại chất cấm, hóa chất, kháng sinh, tăng cường sử dụng các chế phẩm sinh học nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm và bảo vệ môi trường. Hoạt động giám sát, xử lý dịch bệnh được tổ chức thực hiện chặt chẽ theo hệ thống từ tỉnh tới cơ sở, thực hiện tốt công tác giám sát cả chủ động và bị động, từ đó dự tính, dự báo được nguy cơ phát sinh dịch bệnh. Mọi diễn biến dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, động vật thủy sản đều được thông tin, cập nhật, xác minh kịp thời, trên cơ sở đó đã tham mưu, đề xuất với các cấp chính quyền những biện pháp phòng, chống dịch hiệu quả. Từ năm 2013 đến nay, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã có thể chẩn đoán nhanh chóng, chính xác một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như: cúm gia cầm, tai xanh, dịch tả lợn cổ điển, bệnh dịch tả lợn châu Phi, đốm trắng và hoại tử gan tụy cấp trên tôm… Công tác tiêm phòng đã đạt những kết quả tích cực do có sự đổi mới về tư duy, phương pháp chỉ đạo và tổ chức thực hiện. Công tác kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật được duy trì thường xuyên, nề nếp, vừa đảm bảo ngăn ngừa dịch bệnh lây lan theo đường vận chuyển, vừa đảm bảo yêu cầu tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi của tỉnh. Công tác quản lý giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y đã được đẩy mạnh với nhiều kết quả nổi bật và không để xảy ra tình trạng mất an toàn, ngộ độc thực phẩm có nguồn gốc động vật trong những năm gần đây.
Thời gian tới, ngành Chăn nuôi và Thú y tỉnh tiếp đẩy mạnh phát triển chăn nuôi bền vững, phát triển các đối tượng nuôi chủ lực, có giá trị kinh tế cao được thị trường ưa chuộng. Chủ động triển khai thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh phát sinh, lây lan trên đàn vật nuôi và ngăn chặn dịch bệnh từ động vật lây sang người. Cung cấp các sản phẩm thực phẩm nguồn gốc động vật có chất lượng tốt nhất, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm phục vụ cho tiêu dùng và xuất khẩu. Hạn chế thấp nhất ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi. Nâng cao năng lực của ngành, ổn định tổ chức theo Luật Thú y, đáp ứng tốt nhiệm vụ trong tình hình mới./.
Văn Đại