Triển khai sản xuất vụ mùa, vụ đông năm 2020

06:06, 02/06/2020

Chiều 2-6, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) tổ chức hội nghị tổng kết công tác sản xuất vụ mùa, vụ đông năm 2019, triển khai kế hoạch sản xuất vụ mùa, vụ đông năm 2020. Ðồng chí Nguyễn Phùng Hoan, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh tới dự.

Đồng chí Nguyễn Phùng Hoan, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại hội nghị.
Đồng chí Nguyễn Phùng Hoan, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại hội nghị.

Sản xuất vụ mùa, vụ đông năm 2019 triển khai trong điều kiện bệnh dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp; nắng, nóng kéo dài ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng và phát triển của cây trồng. Ðặc biệt, cơn bão số 2 đúng vào giai đoạn đang gieo cấy tập trung, phải tổ chức tiêu rút nước đệm dẫn đến một số diện tích lúa mới gieo cấy bị thiếu nước. Thị trường tiêu thụ sản phẩm cây vụ đông khó khăn; giá vật tư nông nghiệp cao, giá nông sản không ổn định. Song với sự quan tâm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ Ðảng, chính quyền, sự phối hợp chặt chẽ của các ngành, cùng với sự nỗ lực, cố gắng của các hợp tác xã nông nghiệp, hộ nông dân và các doanh nghiệp nên sản xuất vụ mùa, vụ đông 2019 đã đạt nhiều kết quả. Toàn tỉnh gieo cấy 73.467ha lúa, giảm 1.686ha so với vụ mùa năm 2018, trong đó có 395ha sản xuất hạt giống lúa lai F1. Mặc dù ngành Nông nghiệp không khuyến cáo gieo sạ song nhiều địa phương vẫn mở rộng diện tích gieo sạ. Năng suất bình quân đạt 51,50 tạ/ha, tăng 1,32 tạ/ha so với vụ mùa năm 2018. Sản lượng lúa đạt 378.366 tấn, tăng 1.216 tấn so với mùa năm 2018. Diện tích gieo trồng cây màu hè thu 8.835ha, giảm 1.150ha so với vụ hè thu năm 2018. Giá trị sản lượng (giá thực tế) ước đạt 482,2 tỷ đồng, bình quân đạt 54,58 triệu đồng/ha, tăng 4,71 triệu đồng/ha so với cùng kỳ năm trước. Vụ đông năm 2019, toàn tỉnh gieo trồng 9.824ha, giảm 596ha so với vụ đông năm 2018, trong đó diện tích gieo trồng trên đất 2 lúa là 1.025ha. Năng suất và giá bán hầu hết các loại cây trồng vụ đông đều cao hơn cùng kỳ năm 2018. Giá trị sản lượng cây vụ đông 2019 ước đạt 640,2 tỷ đồng (giá thực tế), bình quân đạt 65,16 triệu đồng/ha, tăng 2,9 triệu đồng/ha so với vụ đông 2018.

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương, hiện tượng ENSO tiếp tục duy trì ở trạng thái trung tính nhưng nghiêng về pha nóng; nhiệt độ trung bình từ tháng 5 đến tháng 10-2020 cao hơn trung bình nhiều năm từ 0,5-1oC, các đợt nắng, nóng tập trung trong tháng 5 và tháng 6; bão, áp thấp nhiệt đới xuất hiện muộn hơn trung bình nhiều năm và có khoảng 5-6 cơn bão ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta. Ðặc biệt, dịch bệnh COVID-19 phát sinh và diễn biến phức tạp, khó lường, tác động không nhỏ đến sản xuất nông nghiệp và đời sống của người dân. Vì vậy, ngành Nông nghiệp tập trung bám sát diễn biến thời tiết, thị trường và yêu cầu tái cơ cấu ngành gắn với xây dựng nông thôn mới để chủ động định hướng sản xuất vụ mùa, vụ đông năm 2020; chủ động xây dựng các giải pháp kỹ thuật thâm canh, phát triển nhanh các mô hình tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp và tổ chức tốt sản xuất vụ mùa, vụ đông hàng hóa, đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. Chú trọng phát triển các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất hàng hóa, nhất là các cánh đồng liên kết chuỗi giá trị; phát triển các sản phẩm nông sản, thực phẩm chủ lực, thế mạnh của từng địa phương gắn với đẩy mạnh triển khai chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Phấn đấu hoàn thành gieo cấy lúa mùa xong trước ngày 20-7; triển khai hiệu quả các nội dung tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm và hiệu quả sản xuất. Toàn tỉnh phấn đấu gieo cấy 73.300ha lúa mùa, năng suất bình quân trên 50 tạ/ha, sản lượng 376 nghìn tấn, trong đó có 250 nghìn tấn lúa chất lượng cao. Phấn đấu mỗi huyện, thành phố có ít nhất 10 cánh đồng lớn sản xuất lúa hàng hóa (quy mô trên 30 ha/cánh đồng); có ít nhất 2 mô hình liên kết chuỗi giá trị, sản xuất, tiêu thụ sản phẩm lúa hàng hóa với sự tham gia của doanh nghiệp. Trồng 8.800ha cây rau màu hè thu, chủ yếu là lạc, ngô, đậu tương và một số loại rau ăn lá. Vụ đông phấn đấu đạt từ 11.500ha trở lên, trong đó có 1.700ha trên đất 2 lúa với các cây trồng chủ lực có giá trị và hiệu quả kinh tế cao như: Khoai tây 2.000ha, ngô 2.000ha, bí xanh 630ha, cà chua 550ha, khoai lang gần 300ha…

Ðể hoàn thành mục tiêu đề ra, ngành Nông nghiệp và các địa phương sẽ tích cực đổi mới cơ cấu giống và chuyển đổi linh hoạt cây trồng trên đất trồng lúa. Thực hiện tốt các biện pháp thâm canh, bảo vệ cây trồng. Chủ động thực hiện các biện pháp thuỷ lợi và phòng, chống thiên tai. Chú trọng xây dựng các mô hình tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp trong vụ mùa, vụ đông năm 2020. Tổ chức tốt các hoạt động khuyến nông, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật mới và tiêu thụ nông sản. Tăng cường vai trò quản lý Nhà nước của UBND cấp xã về nông nghiệp, nông thôn.

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh ghi nhận và đánh giá cao những kết quả mà ngành Nông nghiệp và các địa phương đã đạt được trong sản xuất vụ mùa, vụ đông năm 2019; đồng thời nhấn mạnh: Trước mắt, đối với sản xuất vụ xuân, các địa phương cần tập trung huy động lực lượng, phương tiện sẵn sàng thu hoạch nhanh, gọn diện tích lúa xuân, rau màu hè thu theo phương châm “xanh nhà hơn già đồng”; tuyên truyền, vận động nhân dân không đốt, xả thải rơm, rạ bừa bãi ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt, làm ách tắc dòng chảy và gây ô nhiễm môi trường; tích cực chuẩn bị các điều kiện phục vụ sản xuất vụ mùa năm 2020. Ðối với sản xuất vụ mùa, năm nay là năm cuối của giai đoạn 2015-2020 nên sản xuất vụ mùa phải bảo đảm mức tăng trưởng khoảng 2,5% trở lên để hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch tăng trưởng chung của cả giai đoạn. Vì vậy, ngành Nông nghiệp và các huyện, thành phố phải tập trung xây dựng các giải pháp, kế hoạch để bảo đảm hoàn thành mục tiêu tăng trưởng chung toàn ngành trong 5 năm qua. Năm nay, khung thời vụ rút ngắn nên các địa phương phải chủ động nhập, giữ nước ngay sau khi gặt xong lúa xuân với phương châm “gặt xong đến đâu, nhập nước ngay đến đấy” để làm đất, vừa hạn chế việc đốt rơm, rạ, đảm bảo đất ngấu ngả, rơm, rạ mục nhanh, góp phần hạn chế tình trạng lúa bị nghẹt rễ sau này. Tăng cường phối hợp, liên kết giữa các địa phương trong cùng hệ thống thủy lợi để thống nhất lịch lấy nước, làm đất, thời điểm gieo cấy, tạo thuận lợi cho công tác điều tiết nước phục vụ gieo cấy lúa mùa bảo đảm hiệu quả. Các Công ty Thủy nông phải có phương án nhập nước, tiêu nước cụ thể cho từng vùng, khu vực cụ thể, nhất là phương án chống úng cục bộ cho vùng trũng của tỉnh, đặc biệt trong điều kiện thời tiết diễn biến phức tạp. Việc gieo cấy lúa mùa phải tập trung bảo đảm cơ bản xong trước ngày 15-7; hạn chế tối đa diện tích gieo sạ, nếu địa phương nào gieo sạ để xảy ra mất mùa phải chịu trách nhiệm. Trong việc chuẩn bị vật tư nông nghiệp phải tính toán dự phòng 10% giống; không chỉ đạo bón phân đạm muộn, không sử dụng phân đạm để bón đón đòng để hạn chế bệnh bạc lá. Sở NN và PTNT làm tốt công tác dự tính, dự báo và có hướng dẫn cụ thể việc phòng trừ sâu, bệnh, bảo vệ lúa. Các huyện, thành phố thực hiện tốt công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, bảo đảm không để các loại vật tư nông nghiệp kém chất lượng lưu thông trên thị trường dưới mọi hình thức. Ðối với lĩnh vực chăn nuôi thực hiện tốt theo các chỉ đạo của UBND tỉnh, hướng dẫn của ngành Nông nghiệp. Về nhiệm vụ tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, tiếp tục đôn đốc, chỉ đạo các HTX nông nghiệp tổ chức đại hội nhiệm kỳ theo quy định; tổ chức hướng dẫn thành lập các HTX nông nghiệp kiểu mới; đẩy mạnh việc duy trì, phát triển các chuỗi liên kết sản xuất có sự tham gia của các HTX, doanh nghiệp và nông dân. Triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt, bảo đảm hiệu quả cao đối với trên 3.000ha đất chuyển đổi sản xuất theo kế hoạch đã được UBND tỉnh phê duyệt. Tiếp tục tổ chức tuyên truyền sâu rộng các nội dung của Luật Chăn nuôi, Luật Trồng trọt, Luật Thủy sản trong nhân dân để hướng tới xây dựng nền nông nghiệp minh bạch, có trách nhiệm, bảo đảm an toàn, bền vững, bảo vệ môi trường. Ðồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Sở NN và PTNT tổ chức rà soát, đánh giá các nghị quyết liên quan đến nông nghiệp, nông thôn để tham mưu cho tỉnh xây dựng các nghị quyết mới về nông nghiệp, nông thôn trong giai đoạn tới; tập trung rà soát các quy hoạch để tích hợp vào các quy hoạch của ngành vào quy hoạch chung của tỉnh. Tỉnh sẽ ưu tiên hỗ trợ các địa phương trang bị máy cấy, Sở NN và PTNT có văn bản hướng dẫn các huyện, thành phố đăng ký sớm để tỉnh chỉ đạo triển khai thực hiện trong các năm 2020-2021./.

Tin, ảnh: Văn Đại



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com