Dự báo tình hình khí tượng thuỷ văn (KTTV) năm 2020 sẽ tiếp tục còn diễn biến bất thường, khó lường, Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia xác định, phải nâng cao chất lượng dự báo thiên tai, trọng tâm là việc cảnh báo, dự báo sớm và chi tiết.
Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia Mai Văn Khiêm cho biết, nổi bật nhất trong công tác dự báo, cảnh báo bão, áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) năm 2019 là việc nâng thời hạn dự báo bão, ATNĐ. Trong năm 2019, các bản tin dự báo bão đã được phát sớm đến 3 ngày và cảnh báo sớm đến 5 ngày, trong khi đó với các bản tin ATNĐ thì hạn dự báo cũng đã nâng lên đến 2 ngày và cảnh báo đến 3 ngày. Tin lũ, tin lũ khẩn cấp được ban hành kịp thời và kèm theo các hình ảnh về ngập lụt.
Theo nhận định của các chuyên gia, diễn biến KTTV trong năm 2019 diễn biến khá phức tạp, bất thường trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu. Nhiều loại hình thiên tai đã xuất hiện sớm, số lượng thiên tai không nhiều nhưng đã xảy ra nhiều thiên tai mang tính lịch sử, thiết lập mốc kỷ lục mới. Trong khi đó, dự báo cường độ bão, cường độ mưa lớn ở khu vực nhiệt đới vẫn là một thách thức của khoa học và công nghệ dự báo trên thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng. Thách thức này càng cao hơn khi ở Việt Nam vẫn thiếu số liệu trên biển và số liệu đo ở các tầng trên cao khí quyển đối với bão, số liệu mưa ở vùng địa hình chia cắt phức tạp. Mặt khác, chưa có công cụ, mô hình phục vụ giám sát, hỗ trợ và lập bản đồ cảnh báo lũ quét và sạt lở đất sử dụng các nguồn dữ liệu tự động, vệ tinh và radar của hệ thống KTTV quốc gia; hệ thống tích hợp giám sát hạn hán, xâm nhập mặn, lũ xuyên biên giới. Dự báo tình hình KTTV năm 2020 sẽ tiếp tục còn diễn biến bất thường, khó lường, để phục vụ hiệu quả công tác phòng chống thiên tai, Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia xác định, phải nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo thiên tai, trọng tâm là việc cảnh báo, dự báo sớm và chi tiết. “Tiếp tục nghiên cứu cải tiến nội dung và hình thức các bản tin dự báo KTTV nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của nhân dân, cộng đồng, tiếp tục phát triển hệ thống dự báo hướng tới dự báo dựa trên tác động, cảnh báo dựa trên rủi ro”, PGS.TS Mai Văn Khiêm cho biết. Bên cạnh đó, theo dõi chặt chẽ, dự báo, cảnh báo sớm, sát diễn biến thời tiết hàng ngày và diễn biến các hiện tượng KTTV nguy hiểm, đặc biệt là bão, lũ, lũ quét, sạt lở đất, mưa lớn; cung cấp kịp thời các bản tin dự báo, cảnh báo cho các cơ quan, ban, ngành ở Trung ương, địa phương phục vụ công tác chỉ đạo, phòng tránh. Tăng cường hợp tác song phương và đa phương để trao đổi thông tin dữ liệu KTTV, nhất là các số liệu KTTV xuyên biên giới; trao đổi, chia sẻ thông tin và công tác phối hợp với các bộ, ngành, địa phương để khai thác hạ tầng sẵn có, phát huy sức mạnh tổng hợp nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng chống thiên tai.
Ngoài ra, cần đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông, đào tạo để đưa thông tin tới người dân, nâng cao năng lực cộng đồng để nắm bắt tình hình, diễn biến thiên tai và chủ động ứng phó trong các tình huống thiên tai, giảm thiểu rủi ro và thiệt hại do thiên tai gây ra./.
Theo baochinhphu.vn