Xe vô thừa nhận quá 30 ngày sẽ bị tịch thu
Nghị định 31/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ 1-5 quy định trong 3 ngày, kể từ ngày hết thời hạn tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, người vi phạm không đến nhận mà không có lý do chính đáng hoặc trường hợp không xác định được người vi phạm, cảnh sát phải thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng và niêm yết công khai tại trụ sở.
Việc công khai trên phương tiện thông tin đại chúng được rút ngắn còn một lần, thay vì ít nhất hai lần như quy định hiện hành.
Trường hợp hết thời hạn 30 ngày, kể từ ngày thông báo cuối nhưng người vi phạm không đến nhận tang vật, phương tiện, cảnh sát sẽ tịch thu phương tiện vi phạm để bán đấu giá, nộp ngân sách Nhà nước.
Lý giải việc rút ngắn thời gian và số lần thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng nêu trên, lãnh đạo Cục CSGT (Bộ Công an) nói “nhằm tạo điều kiện cho cơ quan chức năng nhanh chóng làm các thủ tục xử lý tang vật, phương tiện”.
Công dân có quyền khai thác hình ảnh, âm thanh của tổ chức cá nhân
Nghị định 47/2020/NĐ-CP về quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số của cơ quan Nhà nước, có hiệu lực từ ngày 25-5, quy định công dân có quyền khai thác, chia sẻ hình ảnh, âm thanh của tổ chức hoặc cá nhân, nhưng không được xâm phạm quyền riêng tư, bí mật cá nhân.
Các dữ liệu số mà người dân có thể được khai thác, chia sẻ là loại dữ liệu dưới dạng ký hiệu, chữ viết, chữ số, hình ảnh, âm thanh hoặc dạng tương tự được thể hiện bằng tín hiệu số.
Tuy nhiên, Nghị định cũng ràng buộc trách nhiệm của người dân khi khai thác, chia sẻ dữ liệu không được vi phạm các hành vi, như: cản trở hoạt động kết nối, quyền khai thác và sử dụng dữ liệu hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật...
Hủy toàn bộ kết quả của thí sinh bị đình chỉ thi tại kỳ thi THPT quốc gia 2020
Tại Thông tư số 08/2020/TT-BGDĐT ban hành ngày 23-3-2020 có hiệu lực từ ngày 8-5-2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã sửa đổi một số điều của Quy chế thi THPT quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp THPT quốc gia.
Một trong những nội dung mới đáng chú ý nhất của Quy chế này là quy định về việc đình chỉ thi tại khoản 10 Điều 1. Cụ thể:
- Thí sinh bị đình chỉ thi phải nộp bài thi, đề thi, giấy nháp cho cán bộ coi thi và ra khỏi phòng thi ngay sau khi có quyết định;
- Thí sinh bị đình chỉ thi chỉ được ra khỏi khu vực thi sau khi hết 2/3 thời gian làm bài thi tự luận và sau khi hết thời gian làm bài thi trắc nghiệm;
- Thí sinh bị đình chỉ thi sẽ bị hủy kết quả toàn bộ các bài thi của kỳ thi năm đó (quy định mới).
Ngoài ra, Thông tư này cũng bổ sung “cán bộ công an, bảo vệ, y tế, phục vụ” vào thành phần ban Phúc khảo bài thi tự luận. Trong Ban Chấm thi trắc nghiệm, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ chỉ đạo thanh tra trực tiếp tất cả các nhiệm vụ của Ban này theo quy định của Quy chế - đây cũng là một nội dung mới được bổ sung vào Quy chế.
Lao động tại Hàn Quốc phải ký quỹ 100 triệu đồng
Theo Quyết định Quyết định số 12/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 31-3-2020 và có hiệu lực từ ngày 15-5-2020 về việc thực hiện thí điểm ký quỹ đối với người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài của Hàn Quốc (EPS), người lao động trước khi đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS phải ký quỹ để đảm bảo thực hiện đúng hợp đồng, về nước đúng thời hạn sau khi chấm dứt hợp đồng lao động. Mức ký quỹ là 100 triệu đồng. Thời hạn ký quỹ là 05 năm 06 tháng.
Trong 35 ngày làm việc kể từ ngày ký hợp đồng đưa người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS với Trung tâm Lao động ngoài nước, người lao động phải ký quỹ tại Ngân hàng Chính sách xã hội trên địa bàn nơi đăng ký thường trú.
Những lao động thuộc đối tượng được vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội có nhu cầu vay vốn được vay đến 100 triệu đồng để ký quỹ mà không phải thực hiện bảo đảm tiền vay. Thời hạn cho vay, việc trả nợ gốc và lãi suất tiền vay do người lao động thỏa thuận với Ngân hàng.
Ngoài ra, Quyết định còn nêu, tiền ký quỹ (cả gốc và lãi) sẽ được hoàn trả trong các trường hợp:
- Người lao động không đi làm việc tại Hàn Quốc sau khi đã thực hiện ký quỹ;
- Người lao động về nước đúng thời hạn sau khi chấm dứt hợp đồng lao động;
- Người lao động chuyển đổi thị thực cư trú hợp pháp tại Hàn Quốc;
- Người lao động bị chết hoặc mất tích trong thời gian làm việc theo hợp đồng./.
PV