Kỳ họp thứ chín, Quốc hội khóa XIV: Thảo luận các dự án Luật

07:05, 21/05/2020

Chiều 20-5, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ chín, Quốc hội khóa XIV, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, Quốc hội tiến hành thảo luận trực tuyến việc phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa một bên là CHXHCN Việt Nam và một bên là Liên minh châu Âu và các nước thành viên Liên minh châu Âu (EVIPA).

Thảo luận tại phiên họp toàn thể, các đại biểu đều bày tỏ nhất trí cao với đề xuất Quốc hội phê chuẩn các Hiệp định Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa một bên là Việt Nam và một bên là Liên minh châu Âu và các nước thành viên Liên minh châu Âu (EVIPA). Bên cạnh đó việc thực hiện cơ chế giải quyết tranh chấp theo Hiệp định EVIPA cũng đặt ra những thách thức lớn hơn trong việc xây dựng và thực thi pháp luật, phòng ngừa và giải quyết có hiệu quả tranh chấp, vướng mắc với nhà đầu tư. Những thách thức nêu trên đòi hỏi Nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp phải thực hiện những giải pháp đồng bộ, toàn diện để có thể phát huy tối đa những lợi ích từ Hiệp định EVIPA và EVFTA.

Trước đó, trình bày Tờ trình của Chủ tịch nước về việc phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa một bên là CHXHCN Việt Nam và một bên là Liên minh châu Âu và các nước thành viên Liên minh châu Âu, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh cho biết các quy định tại khoản 2, 3, 4 và 5 Điều 3.57 Chương 3 quy định về cơ chế thi hành phán quyết của cơ quan giải quyết tranh chấp theo Hiệp định (phán quyết EVIPA) chưa được quy định trong pháp luật Việt Nam. Do đó Chính phủ kiến nghị Quốc hội cho phép công nhận và thi hành phán quyết EVIPA tại một Nghị quyết riêng của Quốc hội.

Theo đó, Nghị quyết của Quốc hội quy định trong thời gian 5 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, Tòa án có thẩm quyền của Việt Nam công nhận và cho thi hành phán quyết EVIPA với bị đơn là Việt Nam theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự về công nhận và cho thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài; công nhận và cho thi hành phán quyết EVIPA với bị đơn là EU hoặc nước thành viên EU như bản án có hiệu lực pháp luật của Tòa án Việt Nam. Sau 5 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, Tòa án có thẩm quyền của Việt Nam công nhận và cho thi hành phán quyết EVIPA như bản án có hiệu lực pháp luật của Tòa án Việt Nam. Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành quy định này. Luật Thi hành án dân sự được áp dụng đối với việc thi hành phán quyết EVIPA đã được Tòa án Việt Nam công nhận và cho thi hành tại Việt Nam.

Sáng 21-5, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Quốc hội nghe Tờ trình về dự án Luật Biên phòng Việt Nam; báo cáo thẩm tra dự án Luật Biên phòng Việt Nam.

Tiếp đó Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi). Dự thảo Luật Doanh nghiệp đã được các đại biểu Quốc hội thảo luận, cho ý kiến tại kỳ họp thứ tám Quốc hội khóa XIV và Phiên họp thứ 43 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Sau khi tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo Luật trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp này (theo dự thảo ngày 29-4-2020) gồm 10 chương với 219 điều, quy định về việc thành lập, tổ chức quản lý, tổ chức lại, giải thể và hoạt động có liên quan của doanh nghiệp, bao gồm công ty trách nhiệm hữu hạn, doanh nghiệp Nhà nước, công ty cổ phần, công ty hợp danh, doanh nghiệp tư nhân, nhóm công ty và hộ kinh doanh.

Phát biểu kết thúc nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị các đại biểu Quốc hội còn ý kiến đóng góp cho dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) gửi văn bản cho góp ý cho Ban Thư ký. Trên cơ sở ý kiến thảo luận tại phiên họp hôm nay, cũng như các ý kiến góp ý gửi về, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo Ủy ban thẩm tra tiếp thu, giải trình đầy đủ trước khi trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp này.

Buổi chiều, Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi); Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi); Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp. Sau đó, Quốc hội thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp. Sau thảo luận, cơ quan trình và cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp báo cáo, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu./.

PV



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com