Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ chín, Quốc hội khóa XIV, cả ngày 27-5 Quốc hội thảo luận trực tuyến về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em.
Sáng 27-5, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga, đại diện Đoàn giám sát của Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em” báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em, từ ngày 1-1-2015 - 30-6-2019.
Báo cáo giám sát cho biết, trong những năm qua, cùng với sự quan tâm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em nói chung và phòng, chống xâm hại trẻ em nói riêng đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, bảo đảm thực hiện tốt các quyền của trẻ em.
Tuy nhiên, trên cả nước vẫn xảy ra các vụ xâm hại trẻ em, trong đó nhiều vụ xâm hại nghiêm trọng. Theo Báo cáo của Chính phủ, trên cả nước có 8.442 vụ xâm hại trẻ em được phát hiện, xử lý, với 8.709 trẻ em bị xâm hại. Ngoài ra, còn số lượng khá lớn trẻ em lao động không đúng quy định của pháp luật về lao động, trẻ em bị bỏ rơi, bỏ mặc và trẻ em tảo hôn…
Thời gian qua, hệ thống chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em được ban hành tương đối đầy đủ, đồng bộ, kịp thời thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng, cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013, nội luật hóa các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em đạt được những kết quả quan trọng; công tác xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh trong gia đình, nhà trường và xã hội nhằm phòng, chống xâm hại trẻ em được tăng cường. Việc áp dụng các biện pháp hỗ trợ, can thiệp đối với trẻ em có nguy cơ bị xâm hại, bị xâm hại được chú trọng. Bên cạnh đó, công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát về phòng, chống xâm hại trẻ em được quan tâm. Việc giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến phòng, chống xâm hại trẻ em được thực hiện kịp thời, đúng pháp luật. Công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án xâm hại cơ bản được tiến hành kịp thời, nghiêm minh…
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, báo cáo cũng chỉ ra, một số quy định của Luật Trẻ em và các luật có liên quan chưa được hướng dẫn kịp thời, đầy đủ, nên còn khó khăn trong tổ chức thực hiện; một số chế tài xử phạt vi phạm hành chính trong các nghị định liên quan đến bảo vệ, chăm sóc trẻ em chưa bảo đảm tính răn đe. Đặc biệt, công tác hỗ trợ, can thiệp đối với trẻ có nguy cơ bị xâm hại hoặc đã bị xâm hại, còn một số hạn chế; nhiều địa phương chưa thống kê đầy đủ, chính xác số trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, nên không cảnh báo được nguy cơ và biện pháp phòng ngừa xâm hại trẻ em chưa tương xứng với tình hình.
Một số cấp ủy, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng nhận thức chưa đầy đủ, chưa quan tâm, coi nhẹ công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em; công tác quản lý Nhà nước về phòng, chống xâm hại trẻ em có những nhiệm vụ chưa hiệu quả. Đặc biệt, mặt trái của kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế, kéo theo một số vấn đề xã hội có liên quan đến trẻ em, đặt ra nhiều thách thức đối với công tác bảo vệ trẻ em nói chung và phòng, chống xâm hại trẻ em nói riêng. Những tác động xấu của mạng internet, mạng xã hội dẫn đến nhiều nguy cơ xâm hại trẻ em trên môi trường mạng.
Qua công tác giám sát, Đoàn giám sát có đề xuất, kiến nghị cụ thể đối với Ban Chấp hành Trung ương Đảng; 5 kiến nghị đối với Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội; 15 kiến nghị đối với Chính phủ và các bộ thuộc Chính phủ; đồng thời có kiến nghị đối với Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên.
Thảo luận trực tuyến về Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em, một số đại biểu Quốc hội đề xuất bổ sung hình phạt các tội danh liên quan đến xâm hại trẻ em; trong đó đề xuất áp dụng hình thức xử phạt “thiến hóa học” đối với tội danh xâm hại trẻ em.
Đại biểu tham luận đề nghị tất cả các cấp, các ngành, mọi người, mỗi gia đình và từng người trong xã hội vào cuộc quyết liệt để tạo hành lang vững chắc về pháp lý, nhận thức và hành động; tạo cơ chế chặt chẽ mang tính phòng ngừa, răn đe; đồng thời tiếp nhận cởi mở để trẻ em dễ tiếp cận, truyền đạt vấn đề của mình, kêu cứu trong một số trường hợp khẩn cấp. Các bộ, ngành liên quan sớm nghiên cứu cơ chế phối hợp lấy lời khai của trẻ em bị xâm hại, cần có sự có mặt của bác sĩ tâm lý, người giám hộ; ghi hình để làm bằng chứng trước khi tòa xét xử; quan tâm đến vấn đề tổn thương tâm lý ở trẻ em, gây ảnh hưởng đến kết quả điều tra; xây dựng phòng xử án thân thiện; đảm bảo tính bí mật hình ảnh và danh tính trẻ em trên báo chí; tập huấn cho đội ngũ điều tra, xét xử về nghiệp vụ, kỹ năng làm việc với trẻ, thống nhất quan điểm, không đưa ra lý do biện hộ cho hành vi vi phạm xâm hại trẻ em do nạn nhân ăn mặc hở hang, uống rượu say… để giảm mức độ phạm tội. Đại biểu đề nghị bổ sung Luật Giám định tư pháp, đưa trưng cầu giám định tư pháp xâm hại trẻ em là loại hình đặc biệt, cần được quan tâm.
Một số đại biểu kiến nghị Chính phủ xây dựng chiến lược dài hạn về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, tăng cường hợp tác quốc tế; phân công cụ thể đơn vị chủ trì ở Trung ương chịu trách nhiệm về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng nhằm điều phối, thúc đẩy hợp tác của các cơ quan. Bộ TT và TT có trách nhiệm rà soát các quy định pháp luật để đảm bảo có đủ hành lang pháp lý, quản lý chặt chẽ với hoạt động cung cấp dịch vụ internet, hoạt động quảng cáo, mạng xã hội... liên quan trẻ em trên môi trường mạng nhằm phù hợp với độ tuổi. Bộ TT và TT cần phối hợp Bộ Công an, Bộ LĐ-TB và XH, Bộ VH, TT và DL, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh... tổ chức các chương trình truyền thông giúp trẻ em có những kỹ năng sử dụng internet an toàn và hiệu quả. Các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác thông tin tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, truyền thông xã hội, nhà trường, gia đình để giúp các em nhận biết; cảnh báo các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thông tin về những nội dung không phù hợp với trẻ em; tăng cường vai trò của các doanh nghiệp công nghệ thông tin trong việc tạo dựng một môi trường mạng an toàn cho trẻ em./.
PV