Ban Thường vụ Tỉnh ủy vừa ban hành Kế hoạch số 88-KH/TU thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 24-3-2020 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.
Kế hoạch đề ra 6 nhóm nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu: Một là Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai. Trong đó các cấp ủy, tổ chức đảng cần xác định đây là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách thường xuyên của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Quán triệt sâu sắc quan điểm chủ động phòng ngừa là chính kết hợp các biện pháp thích ứng phù hợp, tôn trọng quy luật tự nhiên đảm bảo phát triển bền vững. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo việc phân công, phân cấp, xác định rõ trách nhiệm, đặc biệt là người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ” gắn với xây dựng cộng đồng an toàn… Thứ hai là lãnh đạo công tác xây dựng hoàn thiện cơ chế, chính sách về phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai. Theo đó hoàn thiện, bổ sung quy chế tổ chức và hoạt động của Quỹ phòng, chống thiên tai của tỉnh. Điều chỉnh, lồng ghép nội dung phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai và quy hoạch, kế hoạch phát triển của các cấp, các ngành theo hướng đa mục tiêu, hạn chế tối đa việc gia tăng rủi ro thiên tai, thích ứng với đặc điểm của từng vùng, nhất là vùng ven biển khu vực đông dân cư và xu hướng biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Thứ ba là nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo, theo dõi giám sát thiên tai đảm bảo kịp thời, đủ độ tin cậy. Trong đó phối hợp, tranh thủ sự hỗ trợ của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương để nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo, theo dõi, giám sát tình hình khí tượng, thủy văn tuần, tháng, mùa; các cảnh báo bão, lũ; các hiện tượng thời tiết nguy hiểm... Bốn là chỉ đạo UBND tỉnh huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực cho phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai. Hàng năm, ưu tiên bố trí ngân sách tập trung xử lý dứt điểm các trọng điểm đê điều, nhất là các tuyến đê xung yếu từ cấp III trở lên; đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị của cơ quan tham mưu phục vụ chỉ đạo, điều hành ứng phó với thiên tai các cấp, nhất là cơ quan chỉ đạo, điều hành cấp tỉnh. Rà soát, sắp xếp thứ tự ưu tiên, từng bước đầu tư xây dựng nâng cao khả năng chống chịu thiên tai của hệ thống kết cấu hạ tầng. Năm là tập trung các giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo để không ngừng nâng cao vai trò, năng lực quản lý Nhà nước trên cơ sở củng cố, kiện toàn lực lượng làm công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai từ tỉnh đến cơ sở. Sáu là phát huy mạnh mẽ vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân trong công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị tổ chức nghiên cứu, quán triệt, tuyên truyền sâu rộng nội dung Chỉ thị số 42-CT/TW của Ban Bí thư; Kế hoạch 88-KH/TU của Tỉnh ủy tới cán bộ, đảng viên và nhân dân; xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện ở cấp mình. Tổ chức kiểm tra, giám sát, khen thưởng, biểu dương đối với những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc; kiểm điểm, xem xét trách nhiệm đối với cấp ủy, tổ chức đảng, đảng viên để xảy ra thiệt hại nặng nề về người và tài sản trong công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai. Ban cán sự đảng UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành có liên quan xây dựng kế hoạch, nhiệm vụ cụ thể để thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Mặt trận Tổ quốc tỉnh, các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp đẩy mạnh công tác vận động hội viên, người dân tích cực tham gia các hoạt động phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai và giám sát việc thực hiện Kế hoạch này. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan tổ chức tuyên truyền việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW của Ban Bí thư và Kế hoạch của Ban Thường vụ Tỉnh ủy./.
Văn Đại