Sáng 9-5, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị với doanh nghiệp, bàn giải pháp cùng nỗ lực vượt thách thức và đón thời cơ phục hồi nền kinh tế trong bối cảnh dịch COVID-19. Hội nghị được tổ chức theo hình thức đặc biệt với quy mô tiếp cận lớn nhất từ trước tới nay, được truyền hình trực tuyến với 63 điểm cầu địa phương, 30 điểm cầu các bộ, ngành và truyền hình trực tiếp trên Đài Truyền hình Việt Nam. Có khoảng 800 nghìn doanh nghiệp trên toàn quốc, trên 5 triệu hộ kinh doanh và nhân dân cả nước theo dõi. Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh ta có đồng chí Phạm Đình Nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh: Nguyễn Phùng Hoan, Trần Lê Đoài; lãnh đạo các sở, ban, ngành và đại diện một số doanh nghiệp trên địa bàn.
Đồng chí Phạm Đình Nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh và các đồng chí TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh: Nguyễn Phùng Hoan, Trần Lê Đoài dự hội nghị tại điểm cầu Nam Định. |
Các báo cáo tại hội nghị khẳng định, Việt Nam không nằm ngoài vùng xoáy ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19; do đó lực lượng doanh nghiệp hiện đang bị tổn thương nặng nề, phải đối mặt với khó khăn “kép” vừa thiếu hụt nguyên liệu đầu vào, vừa bị giảm mạnh thị trường tiêu thụ hàng hoá và xuất khẩu. Các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư bị ngưng trệ, doanh thu sụt giảm; nhiều doanh nghiệp đã phải tạm dừng hoạt động hoặc thu hẹp sản xuất. Qua khảo sát nhanh gần 130 nghìn doanh nghiệp, có khoảng 86% doanh nghiệp bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch COVID-19, doanh thu dự kiến 4 tháng đầu năm 2020 giảm xuống còn khoảng 70% so cùng kỳ năm 2019; có trên 45% số doanh nghiệp đang bị thiếu hụt nguồn vốn cho sản xuất kinh doanh… Tại hội nghị, có 23 lượt ý kiến phát biểu của các hiệp hội, doanh nghiệp, doanh nhân, các bộ, cơ quan; 81 kiến nghị trực tiếp của 4 hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài, 9 hiệp hội doanh nghiệp trong nước và 437 kiến nghị trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, 180 kiến nghị đã gửi đến VCCI.
Hội nghị đã tập trung thảo luận 4 nhóm vấn đề chính gồm: Đánh giá chung về ảnh hưởng của dịch COVID-19 đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp; đánh giá tác động và khả năng hấp thụ các chính sách đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các địa phương ban hành nhằm hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó với dịch bệnh; nhận định các cơ hội và thời cơ phát triển trong bối cảnh mới, khuyến khích doanh nghiệp tái cấu trúc, chủ động sáng tạo, thích ứng với hoàn cảnh mới; các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp nêu sáng kiến, kiến nghị với Chính phủ, Thủ tướng về các giải pháp cần thiết để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sau đại dịch.
Kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: Các đại biểu trong nước và quốc tế đều đánh giá Việt Nam đã đi trước nhiều nước trong kiểm soát, đẩy lùi dịch bệnh COVID-19. Hiện Việt Nam đã xác lập trạng thái mới để đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh bình thường; do đó sẽ cho phép các chuyên gia, nhà quản lý người nước ngoài nhập cảnh trở lại để hợp tác phát triển kinh tế. Thủ tướng khẳng định doanh nghiệp là lực lượng chủ chốt góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm, đóng góp ngân sách Nhà nước. Vì vậy, trong giai đoạn hiện nay, các doanh nghiệp cần phải giữ lao động; giữ thị trường và phát triển thị trường; giữ danh dự, bản lĩnh doanh nhân Việt Nam; phải chủ động tái cơ cấu, nâng cao trình độ quản trị để phát triển bền vững; đặc biệt phải áp dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ, nhất là cuộc cách mạng 4.0 để nâng cao năng suất.
Thủ tướng đánh giá cao các ý kiến đóng góp về trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước trong việc tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển; đồng thời khẳng định Chính phủ, các cơ quan liên quan lắng nghe, tiếp thu ý kiến các đại biểu, nhà đầu tư, doanh nghiệp, hiệp hội trong và ngoài nước để Chính phủ có nghị quyết tốt nhất tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển trong thời gian tới. Thủ tướng yêu cầu các bộ, cơ quan, đặc biệt là các địa phương cần có chương trình hành động cụ thể để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp phát triển. Trong đó, chú trọng nâng cao đạo đức công vụ, đẩy nhanh tiến độ giải quyết thủ tục hành chính, cải thiện tình hình kiểm soát, tăng cường hậu kiểm; quan tâm đến doanh nghiệp và người lao động yếu thế, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Quan tâm xử lý kiến nghị, tránh tình trạng làm mất thời cơ kinh doanh của doanh nghiệp; chủ động tìm nguồn lực cho phát triển, nhất là hạ tầng, phát triển dịch vụ logistics để giảm chi phí cho doanh nghiệp; đặc biệt, phải giữ ổn định vĩ mô, nhất là giữ lạm phát, giữ giá trị đồng Việt Nam. Các hiệp hội đóng vai trò tập hợp thông tin, đặc biệt là những thông tin tiến bộ khoa học kỹ thuật, tiến bộ về quản lý để áp dụng nhanh vào các doanh nghiệp thuộc hiệp hội mình.
Thủ tướng nhấn mạnh “lửa thử vàng, gian nan thử sức”, vì vậy khó khăn bằng hai thì chúng ta phải cố gắng bằng ba để vượt qua; chúng ta cùng đoàn kết, cùng quyết tâm lập thành tích, hoàn thành nhiệm vụ cao nhất trong năm nay và các năm tiếp theo, đóng góp vào phát triển dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh./.
Tin, ảnh: Thanh Thúy