UBND tỉnh triển khai nhiệm vụ công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2020

07:04, 22/04/2020

Sáng 22-4, UBND tỉnh tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT và TKCN) năm 2019, triển khai nhiệm vụ năm 2020. Đồng chí Phạm Đình Nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh chủ trì hội nghị. Dự hội nghị có các đồng chí Ủy viên Ban TVTU: Trần Anh Dũng, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư; Đoàn Văn Hùng, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh; các đồng chí TUV: Khương Thị Mai, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Phùng Hoan, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành thành viên Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh và lãnh đạo các huyện, thành phố tại các điểm cầu các huyện, thành phố.

Đồng chí Phạm Đình Nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.
Đồng chí Phạm Đình Nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

Theo báo cáo tổng kết công tác PCTT và TKCN năm 2019 của tỉnh, năm 2019, tỉnh ta bị ảnh hưởng 3 cơn bão, 4 đợt rét đậm, rét hại; 9 đợt nắng nóng và nắng nóng gay gắt; 9 đợt gió mùa đông bắc kết hợp triều cường, gió mạnh trên biển… Công tác PCTT và TKCN được triển khai sớm, đồng bộ. Tỉnh đã phê duyệt, triển khai kế hoạch PCTT, phương án ứng phó với các cấp độ rủi ro thiên tai các cấp; hoạt động của Quỹ PCTT tại địa phương. Để chủ động và nâng cao năng lực trong PCTT nhằm giảm thiểu thiệt hại, các cơ quan, đơn vị đã phối hợp chặt chẽ, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Đê điều, Luật PCTT bằng nhiều hình thức. Công tác lãnh đạo, chỉ huy ứng phó thiên tai, TKCN được cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp quan tâm, chú trọng thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”. UBND các huyện, thành phố, các xã, phường, thị trấn đã kiện toàn lực lượng xung kích phục vụ công tác PTTT. Từ đầu năm đến nay, triều cường, sóng lớn đã làm sạt sập phá hủy toàn bộ kè, tường kè, đường giao thông tuyến kè sinh thái huyện Nghĩa Hưng với chiều dài 300m. Tổng thiệt hại do thiên tai gây ra cho tỉnh ta là 75 tỷ đồng. Đã tiến hành quan trắc, khảo sát, đánh giá, xác định nguyên nhân gây ra sự cố đê, kè biển của tỉnh; Hoàn thành kế hoạch duy tu, bảo dưỡng đê điều năm 2019 với tổng kinh phí 23 tỷ đồng; kế hoạch tu bổ đê điều thường xuyên năm 2019 với kinh phí 10 tỷ đồng.

Năm 2020, thời tiết, thủy văn diễn biến phức tạp và khó lường. Hiện tại, ENSO tiếp tục được xác định đang ở trạng thái trung tính trong 6 tháng đầu năm nhưng nghiêng về pha nóng và vẫn có khả năng duy trì trạng thái này trong những tháng tiếp theo của nửa cuối năm 2020. Tỉnh Nam Định có khả năng ảnh hưởng trực tiếp 1-2 cơn bão, thời gian ảnh hưởng tập trung chủ yếu vào các tháng 7, 8 và 9. Số đợt nắng nóng ở mức cao hơn trung bình nhiều năm với 5-6 đợt. Năm nay, tỉnh ta xác định 26 trọng điểm phòng chống lụt bão, trong đó có 25 trọng điểm cấp huyện, 1 trọng điểm cấp tỉnh. Hiện nay, công tác quản lý khai thác công trình thủy lợi gặp khó khăn do nhiều công trình xây dựng từ lâu, đã xuống cấp, đặc biệt là các công trình đầu mối. Năng lực hệ thống còn thấp so với yêu cầu. Các cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão trong tỉnh về cơ bản chưa đáp ứng nhu cầu neo đậu của tàu cá trong tỉnh khi xảy ra bão, áp thấp nhiệt đới… Vì vậy để thực hiệu quả công tác PCLB năm 2020, các cấp, ngành tăng cường tuyên truyền, phổ biến rộng rãi Luật PCTT và các văn bản liên quan nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của người dân. Các sở, ngành, địa phương, đơn vị xây dựng phương án, kế hoạch PCTT năm 2020, kế hoạch PCTT giai đoạn 2021-2026, phương án ứng phó thiên tai cụ thể theo cấp độ rủi ro thiên tai, khẩn trương xây dựng và quản lý Quỹ PCTT; xây dựng các phương án ứng phó với bão mạnh, siêu bão, phương án hộ đê; bảo đảm an toàn cho người và phương tiện tàu, thuyền hoạt động trên sông, trên biển; phương án sơ tán dân sinh sống ở bãi sông, vùng trũng thấp khi có lũ lớn… Tổ chức lực lượng, triển khai công tác chuẩn bị vật tư, phương tiện, hậu cần theo phương án đã lập để sẵn sàng đối phó khi thiên tai xảy ra. UBND tỉnh giao các sở, ngành, đơn vị theo chức năng, nhiệm vụ chủ động các phương án để phòng, chống giảm nhẹ thiên tai và thích ứng với tình trạng biến đổi khí hậu, sẵn sàng các phương án PCTT, TKCN theo phương châm “4 tại chỗ”.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Đình Nghị ghi nhận và đánh giá cao các ngành, địa phương đã phối hợp hiệp đồng làm tốt công tác PCTT, TKCN trong năm 2019. Về nhiệm vụ công tác PCTT và TKCN năm 2020 đồng chí nhấn mạnh: Theo dự báo, năm 2020 thời tiết, thuỷ văn, thiên tai sẽ diễn biến phức tạp, khó lường, vì vậy các ngành, địa phương cần tiếp tục thực hiện tốt Luật PCTT và hướng dẫn thực hiện cũng như các chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh về công tác PCTT, TKCN. Từng sở, ban, ngành, địa phương phải có kịch bản phòng, chống, ứng phó với từng tình huống thiên tai, bão lũ cụ thể; tập trung kiện toàn Ban chỉ huy PCTT, TKCN theo quy định; tổ chức tổng kết, rút kinh nghiệm công tác PCTT, TKCN. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kinh nghiệm và cách thức PCTT cho người dân và đơn vị để giảm nhẹ rủi ro, thiệt hại khi có thiên tai xảy ra. Đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình PCLB; thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”; tranh thủ các nguồn vốn để đầu tư cho các công trình đê, kè, cống, nhất là những công trình thủy lợi trọng tâm, trọng yếu. Sở NN và PTNT, UBND các huyện, thành phố tăng cường kiểm tra, xử lý kiên quyết các vi phạm pháp luật về đê điều. Các ngành: Công an, Quân sự, Biên phòng xây dựng các phương án kịp thời ứng phó với các tình huống khi có thiên tai xảy ra, phát huy tốt vai trò là lực lượng nòng cốt trong công tác PCTT. Các ngành chức năng tham mưu hoàn chỉnh các thủ tục để sớm ban hành quyết định và triển khai thực hiện việc lắp thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá, việc thực hiện phải đảm bảo công khai, minh bạch, đúng đối tượng. Sở Thông tin và Truyền thông đảm bảo thông tin thông suốt từ tỉnh tới các huyện, thành phố và các cơ sở chỉ huy PCLB trong mọi tình huống. Đài Khí tượng thuỷ văn tỉnh theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình thời tiết, cung cấp kịp thời các số liệu và tăng cường năng lực dự báo bảo đảm sát tình hình, kịp thời. UBND các huyện, thành phố rà soát lại các quy hoạch về đất ngoài đê và đất ảnh hưởng của đê để khi các nhà đầu tư có đề nghị đầu tư vào khu vực này phải đảm bảo đúng quy hoạch, Luật Đê điều và các quy định của pháp luật liên quan. Rà soát lại các quy hoạch về trồng trọt, nuôi trồng thuỷ sản, đất làm muối, đặc biệt là ở 2 huyện Giao Thủy và Hải Hậu, để có hướng xây dựng quy hoạch từng nội dung cụ thể và triển khai thực hiện theo quy hoạch, đảm bảo hướng phát triển lâu dài; tổ chức diễn tập về ứng phó thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, chuẩn bị đầy đủ vật tư, phương tiện và nhân lực để kịp thời ứng phó với các tình huống, đảm bảo giảm thiểu tối đa thiệt hại cho người dân khi thiên tai xảy ra./.

Tin, ảnh: Văn Đại



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com