Hiện nay, sâu cuốn lá nhỏ lứa 2 đang vũ hóa rộ, mật độ phổ biến 1-3 con/m2, nơi cao 5-7 con/m2, cục bộ có nơi trên 10 con/m2; mật độ sâu và trứng phổ biến 10-30 con + quả/m2, nơi cao 50-80 con + quả/m2; mật độ sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới. Sâu non nở rộ từ ngày 22 đến 30-4, mật độ sâu phổ biến 50-70 con/m2, nơi cao 200-300 con/m2, cục bộ có nơi trên 600 con/m2. Đây là lứa sâu gây hại chính trong vụ, có mật độ cao, lứa kéo dài, mức độ gây hại cao gấp 3 lần so với vụ xuân năm 2019; nếu không tổ chức phun trừ kịp thời sẽ gây thiệt hại lớn đến năng suất lúa. Dự kiến toàn tỉnh cần phun trừ khoảng 68 nghìn ha, chiếm 93% diện tích. Rầy lứa 2 (chủ yếu rầy lưng trắng) sẽ nở rộ từ ngày 20 đến 27-4, mật độ phổ biến 300-500 con/m2, nơi cao 2.000-3.000 con/m2. Rầy lứa 2 có mật độ cao và phân bố chủ yếu ở các huyện phía nam tỉnh, gây hại cục bộ ở các huyện phía bắc tỉnh. Bệnh đã phát sinh và gây hại cục bộ trên các giống nhiễm như: Đài thơm 8, Nếp, BC15, Q5... Bệnh khô vằn sẽ tiếp tục phát sinh, lây lan mạnh trên các trà lúa từ nay đến cuối vụ. Bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn có nguy cơ phát sinh, gây hại mạnh trên lúa xuân do lượng mưa từ đầu vụ đến nay cao hơn trung bình nhiều năm, thời điểm rút nước lộ ruộng có mưa nhỏ, mưa phùn nên ảnh hưởng đến chất lượng rút nước lộ ruộng; khả năng sẽ có mưa lớn vào cuối tháng 5, đầu tháng 6 tạo điều kiện cho bệnh bạc lá bùng phát ở diện rộng.
Để bảo vệ an toàn sản xuất vụ xuân 2020, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (BVTV) đề nghị Phòng NN và PTNT, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp các huyện, thành phố; Ban Nông nghiệp các xã, thị trấn trong tỉnh tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn kỹ thuật để các hộ nông dân tự kiểm tra đồng ruộng, phân loại các trà lúa để có biện pháp chăm sóc bổ sung phù hợp, lưu ý không bón phân urê đón đòng (khi lúa ôm đòng - sắp trỗ) để giảm thiểu sự phát sinh, gây hại của các đối tượng sâu, bệnh cuối vụ, nhất là bệnh bạc lá. Tổ chức đợt cao điểm phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ lứa 2, kết hợp với rầy lứa 2 và bệnh khô vằn tập trung từ ngày 22 đến 30-4. Đối với sâu cuốn lá nhỏ lứa 2 tiến hành phun trừ tập trung từ ngày 22 đến 30-4 cho những diện tích có mật độ sâu từ 20 con/m2 trở lên (trà lúa cấy tốt sớm phun đầu lịch, trà lúa gieo sạ phun cuối lịch phòng trừ); sử dụng thuốc có hoạt chất Indoxacarb và hoạt chất khác. Do sâu cuốn lá có mật độ rất cao nên ưu tiên sử dụng thuốc có hiệu lực cao và kéo dài (hoạt chất Indoxacarb). Sau phun 5 ngày, kiểm tra ruộng nếu còn mật độ sâu sống lớn hơn 50 con/m2 cần phải phun lại. Đối với rầy lứa 2, phun trừ tập trung từ ngày 20 đến 27-4 cho những diện tích có mật độ rầy lớn hơn 30 con/khóm (lớn hơn 1.000 con/m2). Sử dụng thuốc có hoạt chất Pymetrozine, hoạt chất Thiamethoxam, hoạt chất Imidacloprid và hoạt chất khác; sau 3 ngày phun thuốc, nếu rầy còn lớn hơn 30 con/khóm cần phải phun trừ lại. Đối với bệnh khô vằn, phun trừ cho những diện tích bệnh chớm xuất hiện và đã phun nhưng bệnh chưa dừng. Sử dụng thuốc có hoạt chất Pencycuron, hoạt chất Hexaconazole và hoạt chất khác. Đối với bệnh đạo ôn cổ bông, phun phòng bệnh lúc lúa trỗ 3-5% số bông (ruộng trỗ trước phun trước, ruộng trỗ sau phun sau) cho các giống nhiễm như: Đài thơm 8, X21, BC15, KD 18, Q5, QR1, Nếp, Thiên ưu 8... đặc biệt là trà lúa trỗ bông trước ngày 10-5, những diện đã nhiễm bệnh đạo ôn lá và khi lúa trỗ gặp mưa. Sử dụng thuốc có hoạt chất Tricyclazole, hoạt chất khác, không nên sử dụng loại thuốc chỉ chứa 1 hoạt chất Isoprothiolane để phun phòng bệnh đạo ôn cổ bông. Tăng cường công tác quản lý Nhà nước về thuốc BVTV ở các huyện, thành phố; đặc biệt nêu cao vai trò quản lý của chính quyền cấp xã. Chỉ đạo các đại lý, hộ kinh doanh thuốc BVTV cung ứng và hướng dẫn nông dân sử dụng những loại thuốc theo hướng dẫn của Chi cục Trồng trọt và BVTV. Trong đợt cao điểm phòng trừ này yêu cầu các đại lý, hộ kinh doanh, người mua thuốc BVTV nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và khuyến cáo của Bộ Y tế về phòng, chống dịch COVID-19./.
Văn Đại