Ngày 10-4, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị trực tuyến 63 tỉnh, thành phố về các nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện trong bối cảnh tác động của dịch COVID-19. Dự hội nghị có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình; Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh; các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng: Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng; lãnh đạo các bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương. Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh ta có các đồng chí: Trần Văn Chung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Phạm Đình Nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành.
Các đồng chí: Trần Văn Chung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Phạm Đình Nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Nam Định. |
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, dịch COVID-19 đã và đang ảnh hưởng toàn diện đến nhiều ngành, lĩnh vực của nền kinh tế nước ta. Nhiều doanh nghiệp tạm dừng hoạt động, thu hẹp quy mô; một bộ phận người lao động phải ngừng việc, dừng hợp đồng lao động không hưởng lương hoặc thất nghiệp. Các ngành chịu tác động nặng nề là vận tải, da giày, may mặc, tài chính... Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I-2020 chỉ tăng 3,82%, mức tăng thấp nhất trong hơn 10 năm qua, chỉ bằng hơn nửa kế hoạch đề ra. Trong bối cảnh đó, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng đã đặt ưu tiên hàng đầu là phòng, chống và dập dịch, hy sinh lợi ích kinh tế để bảo đảm tính mạng và sức khỏe của người dân; đồng thời, liên tiếp ban hành gói hỗ trợ trên nhiều lĩnh vực như: gói hỗ trợ về tiền tệ (được nâng lên khoảng 300 nghìn tỷ đồng), gói hỗ trợ về tài khóa (khoảng 180 nghìn tỷ đồng), gói hỗ trợ an sinh xã hội (khoảng 62 nghìn tỷ đồng), gói hỗ trợ giá điện (khoảng 12 nghìn tỷ đồng), gói hỗ trợ giá viễn thông (khoảng 15 nghìn tỷ đồng); Nghị định số 41/2020/NĐ-CP gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất cho khoảng 98% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất, kinh doanh trong cả nước; Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các cấp, các ngành phải giải ngân hết số vốn còn lại của năm 2019 và vốn kế hoạch năm 2020 (gần 700 nghìn tỷ đồng, tương đương 30 tỷ USD), không để dồn vào cuối năm như những năm trước đây… Để giảm thiểu tác động của dịch, Chính phủ còn áp dụng tất cả các biện pháp, từ giãn cách xã hội, tới các biện pháp quản lý hành chính. Tuy nhiên, số người nhiễm bệnh vẫn tiếp tục tăng, diễn biến phức tạp khiến tổng thể nền kinh tế - xã hội có thể tiếp tục phát sinh nhiều bất cập, khó khăn hơn nếu dịch bệnh kéo dài.
Tại hội nghị, các bộ, ngành, địa phương đã đánh giá, phân tích tình hình nghiêm trọng do tác động của dịch trên của thế giới và trong nước; đồng thời tập trung thảo luận, thống nhất các biện pháp, giải pháp để ngăn chặn dịch bệnh, hỗ trợ, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, đảm bảo an toàn, an sinh xã hội. Trong đó, tập trung thống nhất các giải pháp của 4 nhiệm vụ quan trọng trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch COVID-19, gồm: Giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; hỗ trợ cho người lao động, bảo đảm an sinh xã hội; bảo đảm trật tự an toàn xã hội.
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các cấp chính quyền và toàn thể nhân dân tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm, chung sức, đồng lòng thực hiện nghiêm Chỉ thị 16/CT-TTg ngày 31-3-2020 của Thủ tướng Chính phủ, đảm bảo quy định cách ly, giãn cách tránh lây nhiễm dịch bệnh COVID-19 trong cộng đồng; quyết tâm khắc phục khó khăn do dịch bệnh gây ra, biến nguy cơ thành thời cơ thực hiện các nhiệm vụ chính trị trong từng ngành, từng đơn vị. Chú trọng xử lý tình trạng trì trệ trong chỉ đạo, điều hành; giải quyết các điểm nghẽn xây dựng các công trình trọng điểm; đổi mới cách điều hành, bố trí, sử dụng nguồn vốn đầu tư công; đẩy mạnh sản xuất trên tất cả các lĩnh vực, nhất là công nghiệp, nông nghiệp, kinh doanh, dịch vụ; thúc đẩy xuất khẩu; chống đầu cơ tăng giá tất cả các mặt hàng; tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin, đơn giản hóa các công đoạn giải quyết thủ tục hành chính cho nhà đầu tư, người dân, doanh nghiệp; tăng cường đối ngoại, nhất là các nước láng giềng lân cận. Ngành Thông tin và Truyền thông, các đơn vị truyền thông đại chúng tăng cường tuyên truyền để duy trì, nâng cao tinh thần, trách nhiệm đồng lòng, quyết tâm chung sức thực hiện hiệu quả nhiệm vụ “kép” vừa chống dịch, vừa đẩy mạnh phát triển sản xuất, ổn định đời sống xã hội của hệ thống chính trị và toàn thể nhân dân. Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục tổng hợp các khó khăn, vướng mắc do ảnh hưởng vì dịch COVID-19 của các ngành, các đơn vị, doanh nghiệp, người lao động và toàn thể nhân dân để Chính phủ kịp thời có văn bản trả lời, hướng dẫn các địa phương, đơn vị thực hiện hiệu quả, đúng hướng./.
Tin, ảnh: Thanh Thúy