Tăng cường phòng chống sâu bệnh, bảo vệ lúa xuân

07:04, 29/04/2020

Ngày 28-4-2020, Sở NN và PTNT có Công điện số 980/CĐ-SNNPTNT gửi UBND, Phòng NN và PTNT các huyện, thành phố đề nghị tăng cường chỉ đạo thực hiện các biện pháp phòng trừ sâu, bệnh hại, bảo vệ lúa xuân.

Theo báo cáo của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật các trà lúa xuân sẽ trỗ tập trung từ ngày 5 đến ngày 15-5, trong đó đến ngày 10-5 có khoảng 54% diện tích lúa trỗ; đến 15-5 có trên 90% diện tích lúa trỗ. Thời gian qua, sâu cuốn lá nhỏ lứa 2 đã nở rộ với mật độ rất cao, lứa sâu kéo dài, phổ biến 50-70 con/m2, cao 200-300 con/m2, cục bộ 1.000 con/m2 (gấp 3-4 lần so với năm 2019, quy mô phân bố trên diện rộng); trong khi đó đợt cao điểm phòng trừ sâu (từ ngày 22 đến 27-4) thời tiết không thuận lợi, có mưa nhiều ngày, nhiều diện tích lúa phun xong gặp mưa hoặc phun không đúng chủng loại thuốc nên hiệu quả phòng trừ kém.

Sở NN và PTNT đề nghị UBND các huyện, thành phố chỉ đạo Phòng NN và PTNT, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp các huyện, thành phố và Ban Nông nghiệp các xã, thị trấn tăng cường hướng dẫn các hộ nông dân tự kiểm tra đồng ruộng, xác định thời điểm lúa trỗ bông để phòng trừ sâu bệnh theo nguyên tắc “4 đúng”. Tranh thủ thời tiết thuận lợi khẩn trương phun trừ sâu cuốn lá nhỏ cho những diện tích có mật độ sâu từ 50 con/m2 trở lên, hoàn thành trước ngày 5-5-2020. Do sâu tuổi lớn nên chỉ sử dụng thuốc có hoạt chất Indoxacarb (Clever, Sunset, Obaone, Ammate®, Divine, Indogold, Ebato...); hoạt chất Emamectin (Golnitor, Haeuro, Hagucide...); nhóm khác (Director, Takumi...). Tổ chức phun phòng bệnh đạo ôn cổ bông lúc lúa bắt đầu trỗ (trỗ 3-5% số bông, ruộng trỗ trước phun trước, ruộng trỗ sau phun sau) cho các giống nhiễm như: Đài thơm 8, X21, BC15, Khang dân 18, Q5, QR1, Nếp, Thiên ưu 8...; đặc biệt là những diện tích đã nhiễm bệnh đạo ôn lá và khi lúa trỗ gặp mưa. Sử dụng thuốc có hoạt chất Tricyclazole (Beam, Kabim, Kasai-S, Filia, Bamy...); hoạt chất khác (Bankan, Bumrosai, Mixperfect, Nativo... theo hướng dẫn của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật). Khi lúa bắt đầu trỗ nếu không kịp phun phòng thì cần phải phun thuốc ngay khi lúa vừa trỗ bông. Không nên sử dụng loại thuốc chỉ chứa 1 hoạt chất Isoprothiolane để phun phòng bệnh đạo ôn cổ bông do hiệu quả phòng trừ rất thấp. Phân công cán bộ kỹ thuật bám sát cơ sở; tăng cường công tác điều tra, nhất là đối với vùng có mật độ sâu cuốn lá nhỏ cao để kịp thời hướng dẫn phun trừ lần 2./.

Văn Đại



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com