Ngày 1-4, UBND tỉnh ban hành kế hoạch hậu kiểm về an toàn thực phẩm (ATTP) năm 2020.
Mục tiêu của công tác hậu kiểm nhằm kiểm soát bảo đảm ATTP ở các khâu sản xuất, nhập khẩu, lưu thông trên thị trường, chú trọng hậu kiểm đối với các cơ sở có sản phẩm công bố (tự công bố, đăng ký bản công bố sản phẩm), cơ sở sản xuất, nhập khẩu và kinh doanh thực phẩm. Theo đó, UBND tỉnh giao Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương xây dựng kế hoạch hậu kiểm bảo đảm mục tiêu 100% sản phẩm lưu thông trên thị trường phải được kiểm tra, giám sát ít nhất 1 lần/năm về công bố sản phẩm và chỉ tiêu an toàn. Thông qua công tác hậu kiểm, tuyên truyền chính sách pháp luật về ATTP, trách nhiệm của cơ sở, người sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong bảo đảm ATTP; phổ biến, hướng dẫn thực hiện có hiệu quả Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 2-2-2018 và Nghị định số 115/2018/NĐ-CP ngày 4-9-2018 của Chính phủ. Công tác hậu kiểm phải ngăn chặn được cơ bản tình trạng sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh thực phẩm không bảo đảm an toàn; phát hiện, xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân vi phạm về ATTP và công khai trên phương tiện thông tin đại chúng theo quy định.
Công tác hậu kiểm tập trung vào nhóm sản phẩm, sản phẩm thuộc diện tự công bố sản phẩm, đăng ký bản công bố sản phẩm, sản phẩm nhập khẩu thuộc diện miễn kiểm tra hoặc kiểm tra giảm và kiểm soát ATTP tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống, đặc biệt là các bếp ăn tập thể khu công nghiệp, trường học, lễ hội và các cơ sở thuộc diện miễn cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP. Kết hợp hậu kiểm hồ sơ và lấy mẫu kiểm nghiệm chỉ tiêu ATTP, kiểm soát chặt chẽ hồ sơ tự công bố sản phẩm, đăng ký bản công bố sản phẩm, phiếu kết quả kiểm nghiệm, ghi nhãn, quảng cáo và chỉ tiêu an toàn cơ sở tự công bố sản phẩm, đăng ký bản công bố sản phẩm (hoặc các quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy định pháp luật cơ sở công bố áp dụng). Phân công trách nhiệm hậu kiểm và phối hợp giữa Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương, UBND các huyện, thành phố theo quy định.
Nội dung hậu kiểm tập trung kiểm soát chất lượng thực phẩm các khâu: Nguồn gốc nguyên liệu, vận chuyển, bảo quản; quá trình sản xuất, chế biến; nhập khẩu và lưu thông trên thị trường; việc sử dụng phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến, hương liệu, phẩm màu trong chế biến thực phẩm; chất cấm trong chăn nuôi; kiểm soát việc sử dụng kháng sinh, thuốc thú y, hóa chất bảo vệ thực vật; tiếp tục kiểm soát việc sử dụng salbutamol trong chăn nuôi, chất vàng ô trong chế biến thực phẩm; kiểm soát thực phẩm là hàng giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ, hết hạn sử dụng, nhập lậu; kiểm soát các nhóm sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe. Tăng cường lấy mẫu và kiểm nghiệm hậu kiểm. Hậu kiểm về việc thực hiện các quy định về tự công bố sản phẩm/đăng ký bản công bố sản phẩm, trình tự công bố sản phẩm, phiếu kết quả kiểm nghiệm và các hồ sơ, tài liệu pháp lý. Hậu kiểm cơ sở thuộc diện cấp và không thuộc diện cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP, trong đó chú trọng hậu kiểm đối với cơ sở không thuộc diện cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP quy định tại Khoản 1 Điều 12 Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 2-2-2018. Hậu kiểm về ghi nhãn, quảng cáo, sản xuất, kinh doanh và sử dụng phụ gia thực phẩm; Hậu kiểm về quảng cáo đối với nhóm thực phẩm phải đăng ký nội dung trước khi thực hiện quảng cáo… Thông qua công tác kiểm tra, hậu kiểm, phát hiện, ngăn chặn kịp thời vi phạm về ATTP, không để thực phẩm không bảo đảm an toàn, không rõ nguồn gốc xuất xứ, nhập lậu lưu thông trên thị trường./.
Minh Tân