Thực hiện kế hoạch tiêm phòng vụ xuân năm 2020 cho đàn vật nuôi theo chỉ đạo của UBND tỉnh, Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở NN và PTNT) đã nhập 177.960 liều vắc-xin dịch tả lợn; 39 nghìn liều vắc-xin dại và 5.000 liều vắc-xin tụ huyết trùng để cung ứng cho các huyện triển khai tiêm phòng vụ xuân cho đàn gia súc, gia cầm. Đến nay đã có 55 xã, phường, thị trấn của 8 huyện, thành phố tiêm phòng cho 13.232 con lợn, đạt 6,2% kế hoạch; 319 con trâu, bò, dê, đạt 1% kế hoạch và 2.396 con chó, đạt 2,7% kế hoạch. Hiện các huyện Giao Thủy, Xuân Trường chưa triển khai tiêm phòng vụ xuân cho đàn vật nuôi.
Để hoàn thành chỉ tiêu tiêm phòng cho 239.700 con lợn, 31.750 con trâu, bò, dê và 88.700 con chó theo kế hoạch, Sở NN và PTNT tiếp tục hướng dẫn các địa phương thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm. Tăng cường giám sát, đôn đốc, hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện công tác tiêm phòng vắc-xin vụ xuân năm 2020 cho đàn gia súc, gia cầm đảm bảo an toàn, hiệu quả. Chuẩn bị đủ lượng vắc-xin, bảo đảm chất lượng cung ứng cho các địa phương tiêm phòng theo kế hoạch. Tiếp tục hướng dẫn kỹ thuật tiêm và các biện pháp đảm bảo an toàn sinh học trong quá trình tiêm phòng cho người chăn nuôi, lực lượng tham gia tiêm phòng; trong suốt quá trình tiêm, các nhóm tiêm phải thực hiện đầy đủ các yêu cầu phòng, chống dịch; tuân thủ nguyên tắc “3 đúng”: đúng đối tượng, đúng liều lượng, đúng vị trí tiêm; các nhóm tiêm phải quan sát, kiểm tra cụ thể tình trạng sức khỏe của gia súc, gia cầm. Những con vật có biểu hiện ốm, sốt hoặc nghi mắc bệnh truyền nhiễm thì phải dừng tiêm phòng và thông báo với UBND xã để có biện pháp xử lý kịp thời. Sau khi tiêm, chủ hộ phải theo dõi đàn gia súc, gia cầm trong thời gian từ 2-3 ngày, nếu có trường hợp phản ứng phải báo ngay cho chính quyền, thú y cơ sở để được hướng dẫn biện pháp xử lý. Đối với đàn lợn, với những cơ sở chăn nuôi có đủ điều kiện về bảo quản và kỹ thuật tiêm phòng thì các địa phương tổ chức cấp phát vắc-xin được tỉnh hỗ trợ cho cơ sở tự tiêm; các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ không tự tiêm được thì đăng ký với thôn, xóm để UBND xã, phường, thị trấn tổ chức tiêm phòng theo kế hoạch. Hướng dẫn hộ chăn nuôi bổ sung Vitamin, thuốc bổ vào khẩu phần ăn của vật nuôi trước và sau khi tiêm vắc-xin để bảo đảm sức khỏe vật nuôi và nâng cao hiệu quả tiêm phòng./.
Văn Đại