Kết quả giám sát của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở NN và PTNT) cho thấy hiện nay toàn tỉnh có 7.875ha lúa xuân bị nhiễm ốc bươu vàng, trong đó có 6.345ha bị nhiễm nhẹ, 1.500ha nhiễm trung bình và 30ha bị nhiễm nặng. Huyện Nghĩa Hưng là địa phương có diện tích nhiễm ốc bươu vàng nhiều nhất với 3.000ha, tiếp đó là huyện Hải Hậu 1.500ha, huyện Vụ Bản 1.050ha, huyện Giao Thủy 1.000ha; huyện Nam Trực có 25ha và thành phố Nam Định có 5ha bị nhiễm nặng.
Trước tình hình trên, các huyện, thành phố đã tập trung chỉ đạo các xã, thị trấn tuyên truyền, hướng dẫn nông dân tổ chức ra quân diệt trừ ốc bươu vàng bảo vệ lúa xuân. Đến nay, các địa phương trong toàn tỉnh đã tổ chức bắt, thu gom được gần 30 nghìn kg ốc bươu vàng và 850kg trứng ốc. Các huyện, thành phố đã sử dụng thuốc và các biện pháp thủ công để diệt trừ ốc bươu vàng trên 22.200ha lúa và diệt cỏ dại trên 46.640ha. Hiện nay, những diện tích lúa bị ngộ độc đã phục và phát triển. Tình trạng rầy di trú đã xuất hiện rải rác ở một số địa phương, nơi cao 0,1-0,2 con/m2. Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đã lấy và gửi giám định 44 mẫu rầy; kết quả đều âm tính với virus lùn sọc đen.
Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn Trung ương, thời tiết những ngày tới tiếp tục ấm, độ ẩm cao, có mưa vào đêm và sáng sớm là điều kiện thuận lợi cho các đối tượng sâu bệnh, dịch hại sinh trưởng, phát triển hại lúa, cây màu vụ xuân. Vì vậy, các địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn nông dân chủ động thực hiện các biện pháp chăm sóc lúa, rau màu theo khuyến cáo của ngành Nông nghiệp; tích cực áp dụng các biện pháp diệt ốc bươu vàng, chuột phá hại bảo vệ mùa màng, chủ động, bám sát đồng ruộng để theo dõi, giám sát rầy di trú, phát hiện và triển khai phun trừ kịp thời./.
Văn Đại