Ngày 4-3, UBND tỉnh ban hành Công văn số 164/UBND-VP3 yêu cầu thủ trưởng các sở, ngành, đơn vị có liên quan, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố tăng cường chỉ đạo, tổ chức thực hiện chính sách pháp luật thực thi Công ước CITES về bảo vệ động vật, thực vật hoang dã, nguy cấp.
UBND tỉnh yêu cầu các ngành chức năng, các địa phương, Báo Nam Định, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về Luật Đa dạng sinh học và bảo vệ các loài động, thực vật hoang dã; nhất là các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm, chim di cư thuộc Phụ lục của Công ước CITES. Trong đó, tập trung quán triệt thực hiện Nghị định số 06/2019/NĐ-CP ngày 22-1-2019 của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý hiếm và Thực thi Công ước CITES; tuyên truyền, vận động cán bộ, công chức, người dân không sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc từ động vật hoang dã, nhất là các loài nguy cấp, quý, hiếm; tích cực lên án những hành vi vi phạm quy định của pháp luật Việt Nam và Công ước CITES. Yêu cầu các ngành, các địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 20-2-2014 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường chỉ đạo, thực hiện các biện pháp kiểm soát, bảo tồn các loài động vật hoang dã, nguy cấp, quý hiếm và Chỉ thị 28/CT-TTg ngày 17-9-2019 của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp cấp bách phòng ngừa, đấu tranh với hành vi xâm hại các loài động vật hoang dã trái pháp luật. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý chặt chẽ các cơ sở nuôi sinh trưởng, nuôi sinh sản các loài động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và loài động vật hoang dã nguy cấp thuộc các Phụ lục CITES; quản lý các hoạt động chế biến, kinh doanh động vật hoang dã nguy cấp trên địa bàn; thường xuyên kiểm tra, kiểm soát nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm minh các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm quy định của Nhà nước về săn bắt, mua bán, vận chuyển, nuôi nhốt, giết mổ, kinh doanh, tàng trữ trái phép các loài động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm; giao Vườn quốc gia Xuân Thuỷ xây dựng và thực hiện phương án quản lý, bảo vệ và phát triển động vật hoang dã, chim di trú nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ trên diện tích rừng, đất rừng được giao, đồng thời chịu trách nhiệm về việc săn bắt chim di trú, động vật hoang dã xảy ra trong phạm vi được giao quản lý. Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức hướng dẫn, kiểm tra việc bảo tồn đa dạng sinh học tại các cơ sở bảo tồn và việc thực hiện bảo tồn loài thuộc danh mục nguy cấp quý hiếm được ưu tiên bảo vệ. Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với các ngành, lực lượng: Kiểm lâm, Thủy sản, Hải quan, Bộ đội Biên phòng, Quản lý thị trường, Thú y, Bảo vệ thực vật, Bảo vệ môi trường... tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật đối với các hành vi vi phạm trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ động vật hoang dã nguy cấp, quản lý xuất khẩu, nhập khẩu, tái xuất khẩu, quá cảnh, nhập nội từ biển, nuôi sinh sản, nuôi sinh trưởng, trồng cây nhân tạo mẫu vật các loài thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp thuộc các Phụ lục CITES. Các huyện, thành phố tăng cường vận động người dân thực hiện “5 không”: Không săn bắt, không vận chuyển, không buôn bán, không nuôi nhốt, không sử dụng trái phép các sản phẩm từ động vật hoang dã. Khuyến khích các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân gây nuôi, phát triển các loài động vật hoang dã có nguồn gốc hợp pháp, nghiêm cấm việc nuôi động vật hoang dã không có nguồn gốc hợp pháp hoặc có nguồn gốc săn bắt từ rừng tự nhiên. Phối hợp với các sở, ngành, các lực lượng liên quan tăng cường kiểm tra tại các quán ăn, nhà hàng, chợ, điểm kinh doanh, khu dân cư, hộ nuôi nhốt động vật hoang dã để phát hiện, ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định của pháp luật về săn bắt, nuôi nhốt, mua bán, vận chuyển, chế biến, trưng bày, quảng cáo mẫu vật các loài động, thực vật hoang dã, đặc biệt là các loài nguy cấp./.
Thanh Thúy