Thực hiện Chỉ thị số 32/CT-TTg ngày 25-11-2016 của Thủ tướng Chính phủ; Chỉ thị số 03/CT-BGTVT ngày 12-3-2020 của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), UBND tỉnh yêu cầu Sở GTVT; Công an tỉnh; UBND các huyện, thành phố tập trung chỉ đạo, tăng cường thực hiện các giải pháp kiểm soát tải trọng xe để bảo vệ hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.
Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu Sở GTVT tiếp tục tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về tải trọng xe, thiệt hại do xe quá tải gây ra, các quy định về xử phạt vi phạm hành chính đối với người điều khiển và chủ phương tiện khi vi phạm các quy định về tải trọng xe. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra xử lý nghiêm các hành vi vi phạm tải trọng phương tiện, cơi nới tăng kích thước thùng xe ngay ở đầu nguồn hàng và tại vị trí đặt trạm kiểm tra tải trọng xe. Phối hợp với Công an tỉnh để kiểm soát tải trọng xe ở những tuyến đường, địa bàn phức tạp có nhiều xe quá tải hoạt động. Phối hợp với Cục Quản lý đường bộ I, Cảng vụ Hàng hải, Cảng vụ Đường thủy nội địa tổ chức kiểm tra, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật các vi phạm về tải trọng phương tiện, nhất là vi phạm về kích thước thùng xe tại nơi xuất phát hoặc gần khu vực kho, cảng, bến thủy nội địa, bến bãi, nhà ga, nơi tập kết hàng hóa lên xe ô tô... để ngăn chặn kịp thời các xe ô tô chở hàng quá tải trọng lưu thông trên các tuyến đường bộ. Chỉ đạo các đơn vị chuyên môn và Trung tâm Đăng kiểm phương tiện giao thông phối hợp chặt chẽ với lực lượng Cảnh sát giao thông, Thanh tra giao thông tiếp nhận, trao đổi thông tin về công tác bảo đảm trật tự ATGT, kiểm soát tải trọng phương tiện, cung cấp các dữ liệu liên quan đến điều kiện của phương tiện, hành trình phương tiện... Kiên quyết không cấp Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường cho phương tiện sai kích thước thùng hàng, thành thùng xe. Công khai danh sách các xe vi phạm, tái vi phạm về kích thước thành thùng xe để phục vụ công tác quản lý và xử lý vi phạm. Công an tỉnh tiếp tục sử dụng cân tải trọng xách tay (trang bị cho Cảnh sát giao thông, Công an các huyện, thành phố) trong hoạt động tuần tra, kiểm soát lưu động nhằm kịp thời phát hiện, xử lý các xe chở hàng quá tải hoạt động trên các tuyến giao thông, nhất là tuyến quốc lộ, đường tỉnh, đường huyện, đường giao thông nông thôn. Tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với hành vi vi phạm chở hàng quá tải trọng; xử lý nghiêm các đối tượng gây rối trật tự công cộng, chống người thi hành công vụ trong hoạt động kiểm tra tải trọng phương tiện; áp dụng các biện pháp nghiệp vụ cần thiết để đấu tranh có hiệu quả với hành vi tiêu cực trong hoạt động kiểm soát tải trọng phương tiện. Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm chở hàng quá khổ, quá tải, đặc biệt các hành vi cơi nới kích thước thành thùng xe.
UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thành phố Nam Định có giải pháp tăng cường quản lý đối với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng hóa; doanh nghiệp vận tải trên địa bàn nhằm kiểm soát chặt chẽ việc xếp hàng hóa trên xe ô tô đúng tải trọng ngay tại kho bãi; tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về kiểm soát và xử lý vi phạm về tải trọng xe đến các đơn vị sản xuất, kinh doanh trên địa bàn. Chỉ đạo Công an các huyện, thành phố phối hợp với Thanh tra giao thông tăng cường tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân xếp hàng hóa trên xe ô tô vượt quá tải trọng thiết kế của xe, xe chở quá tải trọng quy định trên các tuyến đường tỉnh và đường địa phương. Tổ chức cho các đơn vị vận tải trên địa bàn ký cam kết không xếp hàng quá tải trọng thiết kế của phương tiện và quá tải trọng cho phép của cầu đường, thường xuyên kiểm tra việc thực hiện cam kết để có biện pháp xử lý kịp thời. Chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh nếu để xảy ra tình trạng phương tiện chở hàng quá tải thường xuyên tham gia giao thông trên các tuyến đường được giao quản lý./.
Thành Trung