Ngày 4-3, UBND tỉnh đã ban hành Công văn số 170/UBND-VP3, yêu cầu các sở, ngành, các địa phương tập trung thực hiện đồng bộ các biện pháp nâng cao hiệu quả chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) năm 2020.
Sau hơn 1 năm triển khai thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) toàn tỉnh đã có 36 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP và 39 sản phẩm đang được các huyện đề nghị đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Tuy nhiên việc triển khai thực hiện chương trình OCOP thời gian qua còn một số khó khăn, hạn chế: Một số cán bộ ở các địa phương chưa nhận thức rõ về bản chất, nguyên tắc cũng như lợi ích khi tham gia chương trình; một số huyện tuy đã ban hành kế hoạch nhưng chưa triển khai các hoạt động cụ thể, chưa bám sát và thực hiện đúng chu trình OCOP đã được quy định. Vì vậy chất lượng, tiến độ triển khai chương trình của một số địa phương chưa đáp ứng yêu cầu; các địa phương chủ yếu tập trung lựa chọn những sản phẩm có sẵn, xây dựng thương hiệu cho các chủ thể đơn lẻ, tính cộng đồng chưa cao để tham gia chương trình; chưa chú trọng đến phát triển các sản phẩm đặc sản, tiềm năng, lợi thế của địa phương để nâng cao chất lượng sản phẩm. Công tác xúc tiến thương mại được đẩy mạnh ở nhiều hội chợ, triển lãm song vẫn chưa làm nổi bật về hình ảnh, chất lượng sản phẩm OCOP Nam Định.
Để triển khai thực hiện hiệu quả và đảm bảo tiến độ, chất lượng chương trình OCOP trong thời gian tới, UBND tỉnh yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong tháng 3-2020 phải hoàn tất: Tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện chương trình OCOP của tỉnh năm 2020; thành lập Hội đồng đánh giá sản phẩm OCOP cấp tỉnh năm 2020. Bên cạnh đó, chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính và các sở, ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh ban hành quy định nội dung, mức chi hỗ trợ triển khai, thực hiện chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh năm 2020; quan tâm hướng dẫn các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện chương trình OCOP năm 2020 đi vào thực chất, hiệu quả, tránh hình thức; chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về chương trình OCOP; tổ chức đào tạo, tập huấn cán bộ quản lý, thực hiện chương trình OCOP các cấp để hiểu rõ bản chất của chương trình; tập huấn, hướng dẫn các chủ thể sản xuất thực hiện chương trình OCOP; tổ chức xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm OCOP thông qua các hội chợ, triển lãm, các trang thương mại điện tử... Các sở, ngành liên quan căn cứ chức năng và nhiệm vụ được giao tại Kế hoạch số 110/KH-UBND ngày 12-12-2018, Quyết định số 293/QĐ-UBND ngày 30-1-2018 của UBND tỉnh để tích cực triển khai thực hiện các nội dung của chương trình. UBND các huyện, thành phố tập trung cao công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chương trình OCOP năm 2020 đảm bảo tuân thủ đúng chu trình OCOP; coi đây là nội dung quan trọng thúc đẩy kinh tế trong xây dựng nông thôn mới; đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng các nội dung của chương trình đến các cơ quan, tổ chức kinh tế, các tầng lớp nhân dân; tăng cường rà soát, hướng dẫn các chủ thể kinh tế tham gia chương trình đảm bảo sản phẩm OCOP có tính cộng đồng cao và chất lượng tốt; tổ chức rà soát, đánh giá kết quả công tác triển khai thực hiện chương trình OCOP của địa phương trong thời gian vừa qua và ban hành kế hoạch thực hiện chương trình OCOP năm 2020 đi vào thực chất, hiệu quả, đặc biệt đối với các huyện chưa có sản phẩm OCOP; chỉ đạo, định hướng cho các xã, phường, thị trấn phấn đấu thực hiện trong giai đoạn 2021-2025 phải có sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên; cân đối, bố trí kinh phí để hỗ trợ các cơ sở sản xuất có sản phẩm tham gia chương trình OCOP; tổ chức Hội đồng tư vấn đánh giá sản phẩm OCOP cấp huyện nghiêm túc, hiệu quả; tổng hợp các sản phẩm đạt tiêu chuẩn 3 sao trở lên gửi Hội đồng tư vấn đánh giá xếp hạng cấp tỉnh xét, công nhận sản phẩm OCOP. Ủy ban MTTQ tỉnh và các đoàn thể chính trị - xã hội đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động hội viên và nhân dân tham gia thực hiện có hiệu quả chương trình OCOP./.
Thanh Thúy