Ngày 18-3-2020, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 23/KH-UBND về tổ chức thực hiện khoanh vùng, cách ly vùng có dịch bệnh COVID-19 nhằm khoanh vùng, cô lập toàn bộ vùng dịch, dập dịch triệt để.
Tính đến 14h ngày 18-3, tại tỉnh Nam Định chưa ghi nhận trường hợp bệnh nhân nào có xét nghiệm dương tính với COVID-19; có 36 ca bệnh nghi ngờ đã được cách ly, điều tra, lấy mẫu xét nghiệm; kết quả 19/36 mẫu âm tính với COVID-19; 17 mẫu đang chờ. Tình hình dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn tỉnh vẫn trong tầm kiểm soát. Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh trên thế giới và trong nước, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch tổ chức thực hiện khoanh vùng, cách ly vùng có dịch bệnh COVID-19, cụ thể như sau:
Thời điểm xem xét thiết lập vùng cách ly y tế: Khi vùng dịch đã có sự lây lan trong cộng đồng và có nguy cơ lớn lây lan sang các khu vực, địa phương khác trong khi hầu hết các khu vực, địa phương khác chưa có ca bệnh hoặc chỉ có một số ít ca bệnh xâm nhập. Nguyên tắc thiết lập vùng cách ly đảm bảo đúng quy định của pháp luật; đảm bảo an ninh, an toàn, trật tự; an sinh xã hội và công tác y tế. Quy mô khoanh vùng cách ly tùy theo tình hình dịch thực tế tại địa phương: Toàn xã, phường, thị trấn, hoặc toàn thôn, tổ dân phố, khu phố đang có dịch. Thời gian cách ly tối thiểu 28 ngày kể từ ngày thực hiện cách ly. Tùy theo diễn biến tình hình dịch và nguy cơ lây lan trong vùng cách ly mà thời gian cách ly có thể kéo dài hơn.
Cách thức tổ chức: Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Quyết định thiết lập vùng cách ly, trong đó nêu rõ địa điểm, thời gian, phạm vi vùng cách ly theo đề nghị của Giám đốc Sở Y tế. Tổ chức truyền thông rộng rãi trước khi thực hiện cách ly bằng nhiều hình thức về mục đích, ý nghĩa, sự cần thiết của việc lập vùng cách ly y tế; vận động toàn thể cán bộ, đảng viên, nhân dân tạo sự đồng thuận và ủng hộ việc thiết lập vùng cách ly y tế; phát huy vai trò, trách nhiệm công dân và trách nhiệm xã hội của mỗi người và mỗi gia đình trong việc thực hiện cách ly chống dịch. Thiết lập chốt, trạm kiểm soát ra, vào vùng cách ly; kiểm soát chặt chẽ và hạn chế tối đa người ra, người vào vùng cách ly. Người ra, vào vùng cách ly phải được sự đồng ý của chính quyền địa phương. Lập danh sách, đo thân nhiệt, quan sát tình trạng sức khỏe tất cả người được phép ra, vào vùng cách ly. Kiểm soát vật phẩm, động vật, thực phẩm và các hàng hóa khác có khả năng lây truyền dịch bệnh. Kiểm soát, khử trùng toàn bộ phương tiện được phép ra, vào vùng cách ly. Chính quyền và các cơ quan chức năng triển khai các biện pháp đảm bảo an ninh, an toàn, trật tự cho người dân trong vùng cách ly. Đảm bảo công tác phòng, chống cháy nổ trong vùng cách ly. Không tổ chức các hoạt động, sự kiện tập trung đông người như vui chơi, giải trí, lễ hội, sự kiện ăn uống đông người… trong vùng cách ly. Học sinh trong vùng cách ly nghỉ học; học sinh, giáo viên, người lao động trong vùng cách ly học tập, làm việc bên ngoài vùng cách ly cũng phải được cho nghỉ và không đi ra ngoài vùng cách ly trong suốt thời gian cách ly. Chính quyền và các cơ quan chức năng đảm bảo các nhu cầu thiết yếu về an sinh xã hội cho người dân trong vùng cách ly thông qua việc cung ứng, thiết lập các điểm bán hàng bình ổn giá trong khu vực cách ly cung cấp: Nhu yếu phẩm, lương thực, thực phẩm, năng lượng, xăng dầu, thuốc chữa bệnh thiết yếu; đảm bảo cung cấp đủ điện, nước sạch sinh hoạt; đảm bảo thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt; cung ứng các nguyên vật liệu khác như vật liệu xây dựng, vật liệu điện, nước và hỗ trợ sinh hoạt phí cho người dân trong vùng cách ly (nếu địa phương có điều kiện).
Thực hiện các hoạt động y tế trong vùng cách ly: Thiết lập hệ thống giám sát phát hiện chủ động bệnh dịch tại cộng đồng; Tổ chức cách ly y tế đối với các trường hợp: Ca bệnh xác định mắc COVID-19, nhóm tiếp xúc gần với ca bệnh xác định, ca bệnh nghi ngờ mắc COVID-19, nhóm tiếp xúc gần với ca bệnh nghi ngờ; tổ chức hoạt động xử lý môi trường, khử trùng khu vực ổ dịch. Tổ chức các hoạt động khám bệnh, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân vùng cách ly. Thiết lập tại trạm y tế xã, phường ở vùng cách ly một phòng khám bệnh đa khoa tạm thời trong đó phải phân làm 2 khu riêng biệt để tránh lây nhiễm, gồm: khu tiếp nhận, khám và cách ly tạm thời các bệnh nhân nghi mắc bệnh COVID-19 và khu tiếp nhận, khám, cấp cứu các bệnh nhân thông thường khác. Huy động nhân lực từ bệnh viện tỉnh, bệnh viện huyện về trạm y tế xã để thực hiện công tác khám bệnh, chữa bệnh, sơ, cấp cứu thường trực 24/24h, gồm bác sĩ đa khoa, truyền nhiễm, sản khoa, chuyên khoa nội, nhi, điều dưỡng. Huy động và bổ sung trang thiết bị, phương tiện cần thiết: ít nhất có 2 xe cứu thương thường trực tại trạm y tế xã; máy chụp X-quang di động (có thể huy động xe chụp X-quang lưu động), máy siêu âm, monitor theo dõi người bệnh, xét nghiệm nhanh đường máu; bổ sung thêm máy đo huyết áp, nhiệt kế điện tử và các phương tiện, dụng cụ thăm khám người bệnh bảo đảm sử dụng riêng cho người bệnh nghi nhiễm và người bệnh không thuộc diện nghi nhiễm. Bổ sung thuốc bảo đảm tối thiểu danh mục và số lượng thuốc đáp ứng nhu cầu khám bệnh, chữa các bệnh thường gặp, bệnh mạn tính ngay tại trạm y tế xã, sử dụng Danh mục thuốc BHYT theo Thông tư số 39. Trung tâm y tế huyện chịu trách nhiệm cung ứng đủ thuốc cho Trạm y tế xã và mở cổng thanh toán BHYT ngay tại trạm y tế xã. Tổ chức triển khai công tác cấp cứu, điều trị cho người bệnh vượt khả năng điều trị của trạm Y tế xã lên Bệnh viện tuyến trên nhưng vẫn bảo đảm công tác cách ly y tế đối với người dân trong vùng được cách ly. Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, cần bố trí một khu vực điều trị cách ly riêng để cấp cứu, hồi sức, điều trị, đỡ đẻ, phẫu thuật, thận nhân tạo... cho những bệnh nhân từ vùng cách ly chuyển lên. Khu điều trị cách ly có 30 giường bệnh đa khoa. Bệnh viện Phụ sản và các Bệnh viện chuyên khoa khác cần bố trí khu vực cách ly riêng theo chức năng, nhiệm vụ, sẵn sàng tiếp nhận bệnh nhân từ vùng cách ly chuyển lên. Trong trường hợp không thể bố trí buồng phẫu thuật tại đây, phải bố trí buồng phẫu thuật riêng cho người bệnh của vùng cách ly ở Khoa Phẫu thuật của bệnh viện. Khoa Thận nhân tạo cũng nên có buồng riêng cho người chạy thận là người dân của vùng cách ly. Người bệnh vượt quá khả năng điều trị tại trạm y tế xã được vận chuyển về khu vực điều trị cách ly của Bệnh viện tuyến tỉnh bằng xe ô tô cứu thương cả chiều đi và chiều về. Thống nhất quy trình chuyển người bệnh lên bệnh viện tuyến trên điều trị và các đầu mối thông tin liên lạc, bảo đảm sự phối hợp đồng bộ. Bảo đảm một số dịch vụ y tế thiết yếu khác: Chuyển việc cấp Methadon, thuốc ARV từ tuyến huyện về phục vụ ngay tại trạm y tế xã. Liên hệ với các bệnh viện tuyến trên để cung ứng kịp thời các thuốc đặc thù đối với người bệnh của vùng cách ly đang được quản lý, điều trị các bệnh mạn tính không lây nhiễm và các bệnh mạn tính khác, chăm sóc giảm nhẹ tại bệnh viện tuyến trên. Trung tâm y tế huyện phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, thành phố cung ứng dịch vụ tiêm chủng đối với một số dịch vụ tiêm chủng không thể trì hoãn như: tiêm phòng uốn ván cho bà mẹ mang thai, tiêm phòng bệnh dại. Tạm hoãn việc tiêm chủng thường xuyên trong tháng tại vùng cách ly cho đến khi hết thời gian cách ly để tránh ảnh hưởng của các phản ứng sau tiêm chủng tới công tác giám sát và phòng, chống dịch tại vùng cách ly. Bảo đảm công tác kiểm soát phòng, chống lây nhiễm tại cơ sở điều trị, không để lây nhiễm cho nhân viên y tế, không lây nhiễm sang người bệnh khác và không lây ra cộng đồng. Trong vùng cách ly, tổ chức truyền thông, vận động nhân dân về vai trò, trách nhiệm của mỗi người dân cần đóng góp cho công tác phòng, chống dịch COVID-19, đặc biệt trong việc đồng thuận thực hiện cách ly tại vùng dịch. Cập nhật tình hình dịch bệnh tại địa phương, đảm bảo bám sát diễn biến của dịch bệnh truyền thông cho người dân địa phương trong các xã, thôn, xóm để ổn định tình hình của bà con trên địa bàn. Truyền thông về sự vào cuộc tích cực của các cấp ủy Đảng, chính quyền, ngành Y tế trong việc chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19 để nhân dân yên tâm. Tuyên truyền các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn xã, cụ thể: các văn bản chỉ đạo; hướng dẫn việc phòng, chống, ứng phó với dịch bệnh của ngành Y tế; các khuyến cáo phòng, chống dịch bệnh đến từng xã, thôn, xóm và từng người dân địa phương. Phổ biến kiến thức; phát tờ rơi, cung cấp tài liệu hướng dẫn phòng, chống dịch COVID-19 và hướng dẫn các hộ gia đình về cách phòng, chống dịch bệnh. Phối hợp quản lý các tin đồn, thông tin thiếu chính xác về tình hình dịch bệnh tại địa phương, ngăn chặn kịp thời các thông tin sai lệch. Nêu gương một số cá nhân, hộ gia đình tiêu biểu nghiêm chỉnh thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, cũng như cách ly tại địa phương. Thông báo cho cộng đồng yêu cầu những người nghi mắc bệnh truyền nhiễm, người nghi mắc COVID-19 trong vùng cách ly chỉ đi khám bệnh ban đầu tại trạm y tế, không tự ý đi khám vượt tuyến ra bên ngoài xã. Mỗi thôn thành lập một đội liên ngành gồm: cán bộ chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể của xã hàng ngày đi kiểm tra, giám sát, đôn đốc, tuyên truyền công tác phòng, chống dịch tại tất cả các thôn, xóm./.
Minh Tân