Để tiếp tục xây dựng, phát triển ngành chăn nuôi lợn theo hướng bền vững, đồng thời nhằm giảm áp lực của giá thịt lợn đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI), sáng 30-3, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng và Bộ trưởng Bộ NN và PTNT Nguyễn Xuân Cường có buổi làm việc với 15 doanh nghiệp chăn nuôi lớn bàn giải pháp quyết tâm đưa giá thịt lợn hơi xuống 60 nghìn đồng/kg. Trước mắt, đưa giá từ 75 nghìn đồng/kg xuống mức 70 nghìn đồng; và lộ trình đến cuối quý II và quý III sẽ xuống mức 65 nghìn đến 60 nghìn đồng/kg.
Theo báo cáo của Ban chỉ đạo điều hành giá của Chính phủ, từ cuối năm 2019 đến nay, giá thịt lợn ở mức cao, đã tác động lớn đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI). Tuy nhiên, từ giữa tháng 3-2020 đến nay, giá lợn hơi đã có chiều hướng giảm xuống. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN và PTNT cùng các bộ, ngành, địa phương, các doanh nghiệp… đã và đang quyết liệt thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm đẩy mạnh tái đàn lợn gắn với an toàn sinh học và kết nối nhập khẩu, góp phần bình ổn thị trường đối với mặt hàng này. Trong cuộc làm việc, Bộ NN và PTNT đã đưa ra 2 giải pháp chính để giám giá lợn thời gian tới đó là: Kiểm soát, khống chế thành công dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) làm nền tảng đẩy mạnh tái đàn lợn gắn với an toàn sinh học; và thực hiện đồng bộ các giải pháp vừa đảm bảo nguồn cung, vừa thúc đẩy phát triển sản xuất trong nước.
Theo số liệu thống kê, đến nay đã có 99% số xã dịch đã qua 30 ngày; có 41 tỉnh, thành phố không tái phát dịch. Hiện chỉ còn 106 xã (chiếm khoảng 1% tổng số xã của cả nước) của 22 tỉnh, thành phố chưa qua 30 ngày. Từ đầu năm 2020 đến nay, bệnh DTLCP chỉ xảy ra tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, không áp dụng hoặc có áp dụng nhưng chưa bảo đảm yêu cầu vệ sinh phòng dịch, an toàn sinh học.
Về tình hình tái đàn lợn, tăng đàn lợn, theo báo cáo của cơ quan quản lý chuyên ngành chăn nuôi và thú y của các địa phương, đến ngày 10-3-2020, tổng đàn lợn của cả nước đạt gần 24 triệu con, bằng gần 74% so với tổng đàn lợn trước khi có bệnh DTLCP (khoảng 31 triệu con vào tháng 12-2018). Trong đó, đàn lợn nái còn 2,72 triệu con, bao gồm 109 nghìn con cụ kỵ, ông bà, cơ bản đáp ứng nhu cầu giống để tái đàn lợn.
Dự kiến, tổng sản lượng thịt lợn năm nay phấn đấu đạt 3,9 triệu tấn; trong quý I đạt 811 nghìn tấn; quý II đạt 950 nghìn tấn, quý III đạt hơn 1 triệu tấn và quý IV là 1,083 triệu tấn. Như vậy, đến cuối quý 2, đầu quý III nguồn cung từ chăn nuôi đã đáp ứng được trên dưới 90% nhu cầu thịt lợn, đến cuối quý III và quý IV sẽ đáp ứng đủ nhu cầu như mức cao nhất tháng 12-2018 trước khi DTLCP bùng phát.
Để thực hiện mục tiêu tiếp tục kéo giảm giá thịt lợn, cùng với sự nỗ lực của Bộ NN và PTNT, các địa phương và cộng đồng doanh nghiệp, cần sự chung tay vào cuộc của Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam tìm kiếm các nguồn hàng hợp lý tại các nước xuất khẩu, trong điều kiện dịch bệnh COVID-19 lây lan diện rộng, ảnh hưởng đến hoạt động thương mại; tổ chức nhập khẩu thịt lợn theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Bộ Tài chính xem xét, sớm có chính sách giảm thuế nhập khẩu thịt lợn; trong đó chính sách giảm, miễn thuế cho các doanh nghiệp nhập khẩu thịt lợn từ Hoa Kỳ. Đặc biệt, Bộ Công Thương cần tổ chức kiểm soát tốt chuỗi cung ứng thịt lợn trên thị trường, không để xảy ra tình trạng đầu cơ, thổi giá, nhất là ở các khâu trung gian.
Bên cạnh đó, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo, hướng dẫn và tạo điều kiện thuận lợi nhất để người dân, doanh nghiệp đầu tư tái đàn, tăng đàn, mở rộng quy mô đàn lợn theo nguyên tắc bảo đảm an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh và cung cầu theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành liên quan. Ban Chỉ đạo 398 quốc gia và các địa phương, đặc biệt các địa phương phía Bắc tổ chức ngăn chặn, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp nhập lậu, vận chuyển, buôn bán trái phép lợn, sản phẩm lợn ra khỏi Việt Nam./.
PV