Chủ động phòng, trừ bệnh đạo ôn bảo vệ lúa xuân

08:03, 24/03/2020

Thời gian qua, các địa phương trong tỉnh đã tích cực chăm sóc nên các trà lúa xuân sinh trưởng nhanh. Lúa đang ở giai đoạn đẻ nhánh rộ. Toàn tỉnh có 74% diện tích lúa tốt, đạt 350-400 dảnh/m2 và 20% diện tích lúa trung bình, đạt xấp xỉ 300 dảnh/m2. Tuy nhiên thời tiết hiện có nhiều ngày ấm, ẩm, mưa phùn là điều kiện thuận lợi cho bệnh đạo ôn lá phát sinh gây hại lúa xuân.

Theo báo cáo của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, bệnh đạo ôn đã xuất hiện trên các giống lúa nhiễm, gồm: BC15, Nếp, TBR225… cấy sớm, tỷ lệ bệnh phổ biến 1-3%, nơi cao 3-5%, cá biệt 7-10% như ở xã Hiển Khánh (Vụ Bản); Nghĩa Hải, Nghĩa Sơn (Nghĩa Hưng); Giao Nhân, Giao Thiện (Giao Thủy); Mỹ Thuận (Mỹ Lộc). Bệnh sẽ tiếp tục phát sinh, lây lan mạnh trên các trà lúa trong thời gian tới. Ngoài ra, sâu cuốn lá nhỏ trưởng thành lứa 1 đang vũ hóa rộ, mật độ phổ biến 0,1-0,3 con/m2, nơi cao 0,5-1 con/m2, cá biệt 5-10 con/m2; mật độ trứng và sâu non trung bình 5-7 con và quả trứng/m2, nơi cao 30-50 con và quả trứng/m2, cục bộ có nơi 100-120 con và quả trứng/m2. Sâu non sẽ nở rộ từ ngày 24 đến 30-3 và phân bố diện hẹp, chủ yếu trên diện tích lúa cấy tốt sớm, ruộng ven làng ở các huyện phía nam tỉnh, các huyện phía bắc tỉnh mật độ sâu thấp. Bệnh khô vằn đã bắt đầu xuất hiện cục bộ trên diện tích lúa cấy tốt sớm, tỷ lệ bệnh phổ biến 1-3%. Thời tiết những ngày cuối tháng 3, đầu tháng 4 còn âm u, độ ẩm cao và mưa phùn trùng với giai đoạn lúa mẫn cảm với bệnh; lúa vừa chăm bón, lá mềm, khép hàng ít ánh sáng, điều kiện sinh thái đồng ruộng rất thuận lợi cho bệnh đạo ôn lá, bệnh khô vằn phát sinh và lây lan mạnh trên các trà, các giống lúa.

Trước tình hình trên, Sở NN và PTNT đề nghị UBND các huyện, thành phố chỉ đạo Phòng NN và PTNT, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện, Ban Nông nghiệp các xã, thị trấn tăng cường kiểm tra đồng ruộng, xác định những diện tích nhiễm sâu bệnh, khoanh vùng để tổ chức phòng, trừ kịp thời theo nguyên tắc “4 đúng”. Ðối với bệnh đạo ôn lá, không bón thêm phân hóa học, không phun thuốc kích thích sinh trưởng cho những diện tích đã nhiễm bệnh. Dùng thuốc đặc hiệu để phòng, trừ khi bệnh chớm xuất hiện, nhất là các giống nhiễm như: BC15, KD 18, Q5, QR1, Nếp, Thiên ưu 8, Ðài Thơm 8... Sử dụng thuốc có hoạt chất Tricyclazole (Kabim 30WP, Kasai-S 92SC, Filia 525SE, Bamy 75WP...); hoạt chất khác (Bump 650 WP, Bumrosai 650WP, Bankan 600WP, Nativo 750WG…). Sau phun thuốc 5-7 ngày, kiểm tra nếu còn vết bệnh cấp tính phải tổ chức phun lại. Ðối với bệnh khô vằn, phát hiện và phun trừ cho những diện tích bệnh chớm xuất hiện. Sử dụng thuốc có hoạt chất Pencycuron (Moren 25WP…), hoạt chất Hexaconazole (Anvil 5SC, Chevin 5SL, Lervil 50SC, Shut 677WP…), hoạt chất khác (Amistar top 325SC, Indar 240F, Validacin 5SL…). Ðối với sâu cuốn lá nhỏ, phun trừ tập trung từ ngày 27 đến 30-3 cho diện tích có mật độ sâu lớn hơn 50 con/m2 trở lên khi sâu lộ tuổi (tuổi 2-3) để hạn chế việc phun thuốc tràn lan gây lãng phí và ô nhiễm môi trường; sử dụng thuốc có hoạt chất Indoxacarb, Emamectin và hoạt chất khác. Sau phun 5 ngày nếu mật độ sâu sống lớn hơn 100 con/m2 cần phải phun lại.

Tăng cường kiểm tra thị trường cung ứng thuốc bảo vệ thực vật và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, nhất là những trường hợp kinh doanh thuốc giả, kém chất lượng hoặc bán kèm nhiều loại thuốc không theo hướng dẫn của cơ quan chuyên ngành. Khẩn trương hoàn thành dặm tỉa và chăm sóc các trà lúa gieo cấy muộn; tổ chức phân loại, đánh giá các trà lúa để chuẩn bị cho công tác rút nước lộ ruộng. Thường xuyên báo cáo kết quả phun trừ rầy, bệnh đạo ôn lá, khô vằn và thống kê diện tích nhiễm sâu bệnh về Sở NN và PTNT./.

Văn Đại



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com