Tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu gạo

07:02, 06/02/2020

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, khối lượng xuất khẩu gạo năm 2019 ước đạt 6,34 triệu tấn, đạt kim ngạch 2,79 tỷ USD, tăng 3,9% về khối lượng nhưng giảm 9,7% về giá trị so với năm 2018. Dự báo, tình hình xuất khẩu gạo năm 2020 sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn cả về chất lượng và thị trường.

Tính chung 11 tháng đầu năm 2019, Phi-li-pin đứng vị trí thứ nhất về thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam với 31,5% thị phần, đạt 1,97 triệu tấn và 813,3 triệu USD, tăng gấp 2,55 lần về khối lượng và gấp 2,34 lần về giá trị so với cùng kỳ năm 2018. Ngoài ra, các thị trường có giá trị xuất khẩu gạo tăng mạnh là: Xê-nê-gan, Bờ Biển Ngà, Đài Loan, Hồng Công (Trung Quốc)… Riêng thị trường Trung Quốc, năm 2019 có sự giảm sút mạnh, tính chung 10 tháng đầu năm 2019, kim ngạch xuất khẩu gạo sang Trung Quốc giảm tới 66,7% so với cùng kỳ. Bên cạnh biến động của thị trường thì giá gạo xuất khẩu năm 2019 cũng là vấn đề đáng lưu tâm. 11 tháng đầu năm 2019, giá gạo xuất khẩu bình quân đạt 439 USD/tấn, giảm 12,7% so với cùng kỳ năm 2018. Nguyên nhân của sự sụt giảm này là do xuất khẩu gạo của Việt Nam chịu sự cạnh tranh gay gắt từ các quốc gia xuất khẩu gạo khác như Ấn Độ, Thái-lan, Cam-pu-chia. Trong khi đó, các thị trường lớn, truyền thống của Việt Nam như Trung Quốc, In-đô-nê-xi-a, Băng-la-đét đều giảm nhập khẩu, trong đó thị trường Trung Quốc giảm mạnh cả về sản lượng lẫn giá trị, cũng là một trong những nguyên nhân quan trọng kéo giá gạo xuất khẩu của nước ta xuống thấp.

Dự báo, năm 2020, ngành sản xuất và chế biến gạo của Việt Nam tiếp tục gặp khó khăn do biến động mạnh về sản xuất, nhu cầu và giá. Theo đó, nhu cầu gạo trên thị trường thế giới đang giảm dần. Một phần là do các quốc gia nhập khẩu chính nhiều năm qua đã và đang cơ cấu lại nền nông nghiệp nhằm nâng cao khả năng tự cung cấp nhu cầu lương thực nội địa. Phần khác, đối với nhiều thị trường, yêu cầu về truy xuất nguồn gốc, an toàn thực phẩm đang được đẩy lên mức cao hơn và khắt khe hơn, đòi hỏi chất lượng gạo Việt Nam sẽ phải cải thiện nhiều nếu muốn duy trì và chiếm lĩnh thị trường.

Để đẩy mạnh xuất khẩu gạo năm 2020, đại diện Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho rằng, cần tiếp tục chuyển dịch mạnh sang xuất khẩu gạo chất lượng cao, bắt nhịp với thị trường thế giới, tránh lệ thuộc quá nhiều vào những thị trường truyền thống. Đây cũng là hướng đi trong sản xuất lúa gạo của nhiều địa phương hiện nay. Nhất là ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long, hầu hết các tỉnh đều tăng diện tích lúa chất lượng cao trong tổng diện tích gieo trồng; hướng dẫn nông dân sản xuất lúa theo quy trình canh tác “ba giảm ba tăng”, “một phải năm giảm” nhằm bảo đảm năng suất cao, chất lượng tốt; áp dụng đồng bộ cơ giới hóa trong sản xuất, liên kết sản xuất, chế biến và xuất khẩu lúa gạo.

Trên bình diện chung, theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, hiện thương hiệu quốc gia Gạo Việt Nam đã được cấp Giấy chứng nhận nhãn hiệu Gạo Việt Nam/VIETNAM RICE; công bố lô-gô thương hiệu và ban hành Quy chế sử dụng nhãn hiệu chứng nhận quốc gia Gạo Việt Nam. Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang tích cực hoàn thành việc đăng ký nhãn hiệu quốc tế theo hệ thống Madrid. Về chỉ dẫn địa lý, hiện đã xây dựng chỉ dẫn địa lý đối với gạo tám xoan Hải Hậu (Nam Định), gạo Điện Biên (Điện Biên), gạo Nàng nhen thơm Bảy Núi (An Giang), gạo Một bụi đỏ Hồng Dân (Bạc Liêu). Nhiều thương hiệu địa phương đã được bảo hộ nhãn hiệu tập thể hoặc nhãn hiệu chứng nhận như: nếp cái hoa vàng Kinh Môn (Hải Dương); nếp cái hoa vàng Đông Triều (Quảng Ninh); gạo nàng thơm chợ Đào (Long An), gạo thơm Sóc Trăng (Sóc Trăng), gạo Bao thai Định Hóa (Thái Nguyên), gạo Bao thai Chợ Đồn (Bắc Kạn)... Đây là cơ sở quan trọng để gạo Việt Nam đáp ứng tốt nhất yêu cầu của các nước nhập khẩu, đồng thời hướng đến xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam trên thị trường thế giới./.

Theo Nhân Dân



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com