Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Bên cạnh phòng chống dịch, cần giải pháp mạnh để thúc đẩy kinh tế - xã hội

07:02, 06/02/2020

Phát biểu tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1-2020 diễn ra ngày 5-2 tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh hai nhiệm vụ song song là vừa quyết liệt thực hiện các giải pháp chống dịch nCoV, vừa phải có phản ứng nhanh về kinh tế, đưa ra kịch bản tăng trưởng trong bối cảnh tác động tiêu cực của dịch bệnh. Với tinh thần không gì là không thể để thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội, Thủ tướng chỉ đạo không điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng.

Kinh tế - xã hội tháng 1 diễn ra trong bối cảnh trong nước bắt đầu xuất hiện dịch bệnh do virus Corona chủng mới gây ra. Thủ tướng cho biết, Chính phủ đã sớm thành lập Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch và quyết liệt chỉ đạo toàn diện các giải pháp, tinh thần là “chống dịch như chống giặc”; chấp nhận hy sinh một phần tăng trưởng để bảo vệ tính mạng, sức khỏe của người dân. Các giải pháp quyết liệt của Việt Nam được các tổ chức quốc tế đánh giá cao, giúp hạn chế tối đa việc lây lan trong bối cảnh nước ta có đường biên giới dài, giao thương lớn với Trung Quốc.

Trước thực tế đó, Thủ tướng chỉ đạo, phải có sự phản ứng nhanh đối với nền kinh tế: “Có thể nói, những người chống dịch là những chiến sĩ xung kích bảo vệ sức khỏe nhân dân. Bên cạnh đó, những người sản xuất, kinh doanh để tăng cường bù đắp sự thiếu hụt cho nền kinh tế cũng là những người dũng cảm, tiên tiến. Chúng ta cương quyết và có biện pháp mạnh mẽ không để giảm sâu tăng trưởng trong điều kiện có thể. Chúng ta đã thành lập các đội phản ứng nhanh để chống dịch nCoV thì chúng ta cũng phải phản ứng nhanh về kinh tế, tài chính, sản xuất để bù đắp giảm sút kinh tế do dịch bệnh. Vì vậy, phải thích ứng với tình hình hiện nay trong phát triển kinh tế để biến kinh tế tiến bước, đáp ứng kỳ vọng của nhân dân là một yêu cầu để thảo luận tại phiên họp”.

Bên cạnh tác động tiêu cực của dịch, Thủ tướng đánh giá, việc nghỉ Tết Nguyên đán Canh Tý kéo dài cũng khiến tăng trưởng quý 1 này có thể giảm khoảng 1%. Đây là bài toán khó khăn đối với việc hoàn thành các mục tiêu theo Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ, nhưng Thủ tướng nhấn mạnh, không điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng, đây là một thử thách bản lĩnh, trí tuệ và quyết tâm của tất cả chúng ta. Đồng thời, giữ các chỉ tiêu vĩ mô, nhất là lạm phát, tỷ giá, xuất khẩu. Bây giờ chúng ta đã đưa ra nghị quyết năm nay xuất khẩu 300 tỷ USD thì một tháng chúng ta xuất khẩu gần 30 tỷ USD. Chính vì vậy, tái cơ cấu lại sản xuất tiêu dùng, tín dụng để tập trung chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội theo kịch bản mới và chủ động tìm kiếm thị trường.

“Chỉ đạo mạnh mẽ để phát động nhân dân và doanh nghiệp yên tâm sản xuất, kinh doanh phát triển, không được ngành nào dừng lại. Nền tảng của chúng ta rất tốt trong năm 2019, chưa bao giờ có thành công, vị thế lớn như vậy. Chúng ta cần phải tiếp tục phát huy nền tảng ấy, nhất là phát triển sản xuất kinh doanh, dịch vụ trong phạm vi quốc gia và trong các lĩnh vực và trong từng địa phương. WB, IMF nhận định có thể tăng trưởng thấp, nhưng chúng ta phải vượt khó khăn này để “mặt trời vẫn tiếp tục tỏa sáng ở Việt Nam”. Đây là nguyện vọng của nhân dân và chúng ta có trách nhiệm” - Thủ tướng nhấn mạnh.

Theo Thủ tướng, điểm mấu chốt nhất là kiểm soát tốt lạm phát, ổn định vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng trong từng cấp, từng ngành, nhất là các trung tâm kinh tế như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Trong bối cảnh khó khăn, có dịch, Chính phủ khẳng định rõ quan điểm chỉ đạo, điều hành là cùng với việc thực hiện quyết liệt giải pháp phòng, chống dịch nguy hiểm thì chúng ta tiếp tục nhất quán, mục tiêu ổn định vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, tạo thuận lợi sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng: “Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải rà soát, điều chỉnh, đưa ra các kịch bản tăng trưởng mới theo ngành, lĩnh vực và cả năm 2020, có giải pháp mạnh mẽ, nỗ lực phấn đấu đạt mục tiêu, định hướng đề ra. Điều hành vận dụng linh hoạt chính sách vĩ mô, đặc biệt là về tài chính tiền tệ, thương mại và đầu tư để ứng phó kịp thời những diễn biến bất lợi, tiếp tục kiểm soát chặt chẽ vấn đề ra, trong đó có biện pháp giảm giá thịt lợn về mức bình thường”.

Theo đó, Thủ tướng chỉ đạo, theo dõi chặt chẽ biến động giá cả thị trường để có giải pháp phù hợp, xử lý nghiêm các hành vi găm hàng, nâng giá. Thủ tướng cũng yêu cầu, trước mắt không tăng giá điện, giá dịch vụ công. Tiếp tục giảm giá xăng dầu theo thị trường. Đẩy mạnh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, xuất xứ hàng hóa. Thúc đẩy tăng trưởng tín dụng cho sản xuất kinh doanh gắn với nâng cao chất lượng tín dụng, kiên quyết đẩy lùi tín dụng đen. 

Tại phiên họp, Thủ tướng cũng yêu cầu cần cân đối nguồn lực để thực hiện đúng lộ trình cải cách tiền lương, bảo hiểm xã hội theo Nghị quyết Trung ương gắn với cải cách hành chính, tinh giản biên chế, đẩy mạnh xã hội hóa các đơn vị sự nghiệp công lập.

Trước việc Nghị viện châu Âu có thể xem xét bỏ phiếu thông qua Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) vào tháng 2 này, Thủ tướng đề nghị các bộ làm việc với các cơ quan chức năng của châu Âu để tạo thuận lợi trong việc thông qua Hiệp định quan trọng này.

Về giải đua xe công thức 1 tại Hà Nội, giải đấu có thể thu hút tới 300 nghìn khách du lịch, Thủ tướng đồng ý có cơ chế đặc biệt về xuất nhập khẩu hàng hóa phục vụ giải đua này. Chính phủ thống nhất đề xuất của Bộ Tài chính và thành phố Hà Nội cũng như đề xuất của Văn phòng Chính phủ, các bộ, ngành. Theo đó, đồng ý miễn giấy phép, tạo điều kiện nhập khẩu đối với hàng hóa phục vụ giải đua công thức 1. Đồng ý cho phép làm thủ tục hải quan tại Chi cục Hải quan Hà Nội đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu phục vụ giải đua. Thủ tướng giao Bộ Tài chính sửa đổi Nghị định số 59 và 08 của Chính phủ cho phù hợp...

Để thúc đẩy xuất khẩu nông sản, nhất là quả thanh long, Thủ tướng cho biết trong sáng qua đã ký văn bản cho thông suốt hàng hóa nông sản qua biên giới.

Đối với các cơ quan truyền thông, trong bối cảnh dịch bệnh, Thủ tướng chỉ đạo các cơ quan cần thông tin, tuyên truyền để người dân và doanh nghiệp yên tâm về vị thế Việt Nam, về biện pháp của Chính phủ trong chống tiêu cực, phát huy mặt tích cực để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của năm nay./.

Theo VOV



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com