Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030. Theo đó, đến năm 2025, Việt Nam phấn đấu thuộc nhóm ba quốc gia dẫn đầu về phát triển du lịch trong khu vực Đông - Nam Á và 50 quốc gia có năng lực cạnh tranh du lịch hàng đầu thế giới.
Trong đó, tất cả 14 tiêu chí năng lực cạnh tranh du lịch đều tăng, phù hợp yêu cầu phát triển bền vững. Phấn đấu đến năm 2030, du lịch thật sự là ngành kinh tế mũi nhọn và phát triển bền vững, đưa Việt Nam thuộc nhóm 30 quốc gia có năng lực cạnh tranh du lịch hàng đầu thế giới, đáp ứng đầy đủ yêu cầu và mục tiêu phát triển bền vững. Tổng thu từ khách du lịch đạt từ 3.100-3.200 nghìn tỷ đồng (tương đương từ 130-135 tỷ USD), tăng trưởng bình quân từ 11-12%/năm, đóng góp trực tiếp vào GDP đạt từ 15-17%; tạo ra khoảng 8,5 triệu việc làm, trong đó có khoảng 3 triệu việc làm trực tiếp, tăng trưởng bình quân từ 8-9%/năm; phấn đấu đón ít nhất 50 triệu lượt khách quốc tế và 160 triệu lượt khách nội địa,...
Chiến lược cũng đề ra nhiều giải pháp mạnh mẽ như hoàn thiện thể chế, chính sách, tạo thuận lợi về xuất, nhập cảnh; hỗ trợ các hãng hàng không mở đường bay mới kết nối các thị trường du lịch trọng điểm và tiềm năng; xây dựng cảng biển, cảng thủy nội địa du lịch chuyên dụng; cải thiện dịch vụ đường sắt để phát triển du lịch; hoàn thiện hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin, phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật phục vụ du lịch; đào tạo nguồn nhân lực,... Đồng thời, thúc đẩy quan hệ hợp tác công - tư và các mô hình quản trị tích hợp các khu vực công và tư nhân; thu hút nguồn lực xã hội, nhà đầu tư có công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật, nhất là cơ sở lưu trú, vui chơi giải trí, khu nghỉ dưỡng phức hợp cao cấp, phù hợp nhu cầu và xu hướng du lịch mới./.
Theo nhandan.com.vn