Tại phiên họp ngày 30-1 của Thường trực Chính phủ bàn giải pháp ứng phó trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Corona, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, Trung Quốc đã chính thức đề nghị tạm dừng hoạt động trao đổi thương mại giữa hai địa phương là Quảng Tây và Vân Nam với các địa phương tiếp giáp của phía Việt Nam đến hết ngày 10-2; tuy nhiên với nguy cơ bùng phát và lây lan nhanh của dịch Corona, nhiều khả năng thời hạn tạm dừng sẽ còn kéo dài.
Tỉnh ta có nhiều mặt hàng nông sản tham gia hoạt động xuất nhập khẩu với thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, theo Phó Giám đốc Sở NN và PTNT Hoàng Thị Tố Nga, đến thời điểm hiện nay, hoạt động sản xuất, xuất khẩu nông sản của tỉnh ta không chịu nhiều tác động tiêu cực trước tình hình Trung Quốc tạm dừng trao đổi thương mại. Có được lợi thế này là do những năm gần đây dưới sự định hướng, hỗ trợ của tỉnh, nhiều doanh nghiệp đã nỗ lực đầu tư, đẩy mạnh chế biến và xuất khẩu nông sản sau chế biến, chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm, phát triển đa dạng thị trường xuất khẩu, không để lệ thuộc quá lớn vào một thị trường khiến sản lượng nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc của tỉnh ta không chiếm tỷ trọng quá lớn. Các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản tiêu biểu của tỉnh như Công ty TNHH Thủy sản Lenger Việt Nam đã đầu tư công nghệ nâng cao chất lượng sơ chế ngao nguyên vỏ và ngao chế biến, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu sang các nước EU; dưa chuột và cà chua chế biến của Công ty Vina TP xuất sang Liên bang Nga; Công ty CP Chế biến thực phẩm nông sản xuất khẩu Nam Ðịnh không chỉ xuất khẩu sản phẩm thịt lợn chế biến sang Trung Quốc mà còn tiêu thụ tại các nước Ma-lai-xi-a, Xinh-ga-po; nông sản sấy Minh Dương không chỉ xuất sang Bắc Kinh (Trung Quốc) mà còn được tiêu thụ mạnh tại thị trường nội địa...
Ðể giảm tối đa nguy cơ sụt giảm kim ngạch xuất khẩu trong tình huống Trung Quốc kéo dài thời hạn tạm dừng hoạt động trao đổi thương mại, nhập khẩu nông sản, hiện nay các Sở NN và PTNT, Công Thương đã chủ động khuyến cáo các cơ sở, doanh nghiệp có tham gia xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc chủ động phương án phát triển thị trường nội địa và tìm kiếm, đẩy mạnh tiêu thụ tại các thị trường xuất khẩu thay thế. Về lâu dài, các ngành chức năng của tỉnh tiếp tục hỗ trợ bà con nông dân, các doanh nghiệp trong quá trình sản xuất, chế biến nông sản đẩy mạnh áp dụng các tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP phù hợp với quy định của các thị trường nhập khẩu khu vực và trên thế giới; gia tăng xuất khẩu sản phẩm chế biến và chế biến sâu, xuất khẩu trực tiếp; phát triển mở rộng và đa dạng hoá thị trường xuất khẩu, cơ cấu lại thị trường và mặt hàng xuất khẩu./.
Thanh Thúy