Chính quyền Trung Quốc ngày 28-1 cho biết, tính đến hết ngày 27-1 số ca tử vong vì chủng virus corona mới (2019-nCoV) tại thành phố Vũ Hán đã tăng lên tới 106 người, trong khi gần 1.300 ca nhiễm mới đã được xác nhận. Trong khi đó, Tổ chức Y tế Thế giới đã thừa nhận mắc sai sót trong đánh giá rủi ro về loại virus gây chết người này được đưa ra trước đó.
Điều tri bệnh nhân nhiễm virus 2019-nCoV tại bệnh viện Vũ Hán (Ảnh: ChinaDaily) |
Theo Ủy ban Y tế tỉnh Hồ Bắc, trong ngày 27-1 đã có 24 ca tử vong mới và 1.291 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm được xác nhận lên 4.000 người trên toàn quốc.
Chính phủ Trung Quốc đã quyết định lùi thời điểm bắt đầu học kỳ mùa Xuân của các trường tiểu học, phổ thông và đại học trên toàn quốc do lo ngại dịch bệnh lây lan. Hiện Bộ Giáo dục chưa thông báo ngày sẽ bắt đầu học kỳ hai.
Ngày 27-1, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã thừa nhận có sai sót trong đánh giá rủi ro về loại virus gây chết người này. Trong báo cáo trên, WHO cho biết: “Tình hình lây nhiễm virus 2019-nCoV rất cao ở Trung Quốc, cao ở cấp khu vực, và cao ở cấp toàn cầu”. WHO thừa nhận việc đánh giá mức độ rủi ro "vừa phải" trên phạm vi toàn cầu trong báo cáo trước đó là "sai sót".
Tuy nhiên, WHO nói rằng, việc điều chỉnh đánh giá rủi ro toàn cầu của WHO không đồng nghĩa với việc tổ chức này ban bố tình trạng khẩn cấp về y tế toàn cầu, cũng như không đưa ra khuyến cáo nào về hạn chế đi lại hay buôn bán.
Theo WHO, tình hình lây nhiễm virus 2019-nCoV ở Trung Quốc là khẩn cấp, nhưng nó chưa trở thành tình trạng khẩn cấp về y tế toàn cầu. WHO chỉ kêu gọi tăng mức độ cảnh giác, trong đó có việc khuyến khích các sân bay lắp đặt hệ thống kiểm soát thân nhiệt đối với hành khách đến từ vùng dịch để phát hiện kịp thời.
WHO cũng cho biết, hiện vẫn chưa rõ liệu virus corona chủng mới gây bệnh viêm phổi cấp ở Trung Quốc và hơn một chục quốc gia khác trên thế giới có lây lan trong thời gian ủ bệnh, tức là trước khi các triệu chứng xuất hiện, hay không.
Trong một báo cáo mới nhất về chủng virus mới này, WHO cho hay theo ước tính hiện nay, thời gian ủ bệnh có thể từ hai đến 10 ngày. Báo cáo nêu rõ: “Việc hiểu thời điểm bệnh nhân đã nhiễm có thể truyền virus cho người khác đóng vai trò quan trọng trong các nỗ lực kiềm chế (dịch bệnh lây lan)”.
Báo cáo trên chưa xác nhận các khẳng định trước đó của chính quyền Trung Quốc rằng những người đã nhiễm bệnh có thể lan truyền dịch trước khi có bất kỳ triệu chứng nào như sốt hay khó thở. WHO cho biết: "Cần có thêm thông tin chi tiết về nghiên cứu bệnh dịch từ nhiều ca nhiễm hơn nữa để xác định giai đoạn ủ bệnh của virus 2019-nCoV, đặc biệt là khi nào việc lây truyên có thể xảy ra từ những cá nhân chưa có triệu chứng hoặc trong thời gian ủ bệnh”.
* Trong khi đó, Chính phủ Nhật Bản ngày 28-1 đã quyết định đưa bệnh viêm phổi cấp do chủng virus corona mới (2019-nCoV) đang bùng phát ở Vũ Hán, Trung Quốc vào danh sách các “bệnh truyền nhiễm được chỉ định” với mục đích cho phép ngành y tế chỉ định nhập viện bắt buộc với những người nghi nhiễm bệnh.
Quyết định trên được đưa ra trong cuộc họp Nội các sáng 28-1, theo đó các bệnh nhân viêm phổi cấp do chủng 2019-nCoV gây ra sẽ bị buộc phải nhập viện và bị cấm tới nơi làm việc. Các cơ sở y tế sẽ phải khử trùng khu vực có người nhiễm bệnh. Chính phủ Nhật Bản sẽ sử dụng ngân sách nhà nước để thanh toán chi phí y tế cho những đối tượng bị buộc phải nhập viện. Khoảng 400 cơ sở y tế được chỉ định trên khắp lãnh thổ nước này sẽ được huy động để chữa trị cho các bệnh nhân trên.
Các biện pháp khẩn cấp khác có thể sử dụng trong trường hợp này bao gồm cả việc yêu cầu các bác sĩ phải thông báo bất cứ trường hợp nào có kết quả xét nghiệm dương tính với virus corona mới.
Đây là lần thứ năm chính phủ Nhật Bản đưa ra quyết định này, và là lần đầu tiên kể từ đợt bùng phát hội chứng suy hô hấp Trung Đông (MERS) hồi 2014.
Cùng với việc đưa bệnh viêm phổi cấp vào danh sách các bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm, Chính phủ Nhật Bản đã thuê một máy bay để chở công dân nước này ở thành phố Vũ Hán về nước. Hãng tin Kyodo dẫn lời một quan chức Nhật Bản cho biết chiếc máy bay này có thể xuất phát từ Tokyo vào tối 28-1.
Theo số liệu thống kê của Chính phủ Nhật Bản, tính đến ngày 24-1 có khoảng 710 công dân nước này đang sống ở tỉnh Hồ Bắc. Trong khi đó tại Nhật Bản, tính đến ngày 27-1, nước này đã phát hiện bốn trường hợp mắc bệnh viêm phổi cấp do chủng virus corona mới gây ra, trong đó có một công dân Nhật Bản gốc Trung Quốc và ba du khách đến từ Vũ Hán.
* Ngày 27-1, giới chức y tế Đức đã xác nhận trường hợp đầu tiên nhiễm virus corona mới 2019-nCoV. Các nhà chức trách y tế Đức cho biết, người đàn ông bị nhiễm bệnh đến từ Starnberg, một thị trấn cách Munich khoảng 30 km về phía Tây Nam.
* Trong ngày 27-1, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đề nghị giúp đỡ Trung Quốc ứng phó với dịch viêm phổi cấp 2019-nCoV. Trên trang cá nhân Twitter, Tổng thống Mỹ nói rằng “Chúng tôi đang liên lạc rất chặt chẽ với Trung Quốc liên quan đến loại virus (2019-nCoV). Tại Mỹ ghi nhận rất ít ca nhiễm nhưng phải theo dõi chặt chẽ. Chúng tôi đã đề nghị Trung Quốc và Chủ tịch Tập Cận Bình bất cứ sự giúp đỡ cần thiết nào”. Tổng thống Mỹ nói rằng Mỹ có những chuyên gia rất giỏi.
* Hôm 24-1, trong một bài viết đăng trên tạp chí y khoa JAMA của Mỹ, Viện trưởng Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia Mỹ Anthony Fauci, chuyên gia Catharine Paules, trợ lý giáo sư về các bệnh truyền nhiễm tại Đại học bang Pennsylvania, cho biết những tiến bộ về công nghệ kể từ khi dịch SARS bùng phát ở 2003 đã giúp giảm rất nhiều thời gian phát triển vaccine. Do đó, loại vaccine chống lại virus corona mới có thể sẵn sàng để thử nghiệm trên cơ thể người trong vòng ba tháng.
Các nhà nghiên cứu đã chuyển từ việc thu được trình tự gien của virus SARS sang thử nghiệm lâm sàng giai đoạn một của vaccine DNA trong 20 tháng và từ đó đã nén khoảng thời gian thử nghiệm thành 3,25 tháng cho các bệnh do virus khác.
Các nhà khoa học hy vọng sẽ nén nhanh hơn thời gian thử nghiệm vaccine 2019-nCoV, nhờ sử dụng công nghệ vaccine RNA.
Theo nhandan.com.vn