Sáng 22-1, Đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) do đồng chí Nguyễn Xuân Cường, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ NN và PTNT dẫn đầu đã về kiểm tra công tác sản xuất vụ xuân 2020 tại tỉnh ta. Cùng đi với đồng chí Bộ trưởng có đồng chí Nguyễn Hoàng Hiệp, Thứ trưởng Bộ NN và PTNT; đại diện lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam; lãnh đạo các cục, vụ, viện của Bộ NN và PTNT. Tiếp đón và làm việc với đoàn về phía tỉnh ta có các đồng chí: Phạm Đình Nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Phùng Hoan, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ban, ngành của tỉnh; lãnh đạo huyện Vụ Bản, Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Bắc Nam Hà và một số Công ty thủy nông của tỉnh.
Bộ trưởng Bộ NN và PTNT Nguyễn Xuân Cường và đồng chí Phạm Đình Nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra việc lấy nước, làm đất tại xã Cộng Hòa (Vụ Bản). |
Bước vào sản xuất vụ đông xuân năm 2020, lượng nước trên hệ thống các sông thiếu hụt từ 20-50% so với bình quân hàng năm, lượng dòng chảy về các hồ chứa thiếu hụt, chỉ đạt 61% so với dung tích thiết kế; trong khi đó mực nước triều năm nay dâng cao hơn từ 60-70cm so với cùng kỳ năm ngoái dẫn đến tình trạng mặn xâm nhập sâu, gây khó khăn cho việc lấy nước đổ ải, làm đất phục vụ gieo cấy lúa xuân năm 2020. Tuy nhiên do làm tốt công tác thủy lợi nội đồng và tập trung chỉ đạo lấy nước sớm nên đến hết ngày 21-1, tổng diện tích ruộng có nước của tỉnh ta là 52.743ha, đạt 69,1% diện tích gieo cấy lúa xuân. Các huyện phía bắc tỉnh đã lấy nước được 19.255ha, các huyện phía nam tỉnh lấy nước được 33.488ha; một số địa phương lấy nước nhanh và tổ chức làm đất tốt là: Hải Hậu đạt 96,1%, Mỹ Lộc 83%, Xuân Trường 74,5%, Vụ Bản 73,3%, Trực Ninh 68,9%... Theo báo cáo của các Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi thuộc tỉnh thì tổng diện tích còn khó khăn về nước tưới là khoảng 17.400ha; trong đó nhiều nhất là Nghĩa Hưng 6.200ha, Xuân Thủy 4.000ha, Nam Ninh 3.000ha, Vụ Bản 2.000ha… Trong số diện tích khó lấy nước có khoảng 10.200ha nếu các hồ thủy điện không xả nước sẽ không lấy được nước do mặn xâm nhập sâu. Đến 7h sáng 22-1, mặc dù các hồ thủy điện đã xả nước đợt 1, mực nước trên các sông đã dâng cao hơn so với kỳ chiều cường liền trước khoảng 10-15cm, song các huyện phía nam hệ thống thủy nông Nghĩa Hưng và một số vùng thuộc hệ thống thủy nông Xuân Thủy vẫn chưa lấy được nước do mặn vẫn xâm nhập sâu.
Bộ trưởng Bộ NN và PTNT Nguyễn Xuân Cường và đồng chí Phạm Đình Nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh thăm hỏi, động viên cán bộ, công nhân viên trực bơm nước tại Trạm bơm Hữu Bị (Mỹ Lộc). |
Thời gian tới, UBND tỉnh yêu cầu các vùng đặc biệt khó khăn trong việc lấy nước đổ ải, làm đất, các Công ty thủy nông cần tăng cường chỉ đạo, động viên, bố trí cán bộ, công nhân viên tranh thủ triều cường, độ mặn cho phép để lấy nước phục vụ làm đất, kể cả trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020. Khẩn trương lấy nước trong các đợt xả nước tiếp theo của các hồ thủy điện, đảm bảo chủ động lấy đủ nước phục vụ làm đất, gieo cấy lúa xuân; tuyệt đối không để xảy ra tình trạng thiếu nước sản xuất; chủ động quản lý, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả nhất. Tăng cường lực lượng thường trực tại các công trình đầu mối, chủ động nhập nước vào hệ thống kênh mương, sông chìm, tận dụng tối đa thời gian lấy nước theo nhu cầu sản xuất; bố trí lực lượng phối hợp với các địa phương thường xuyên kiểm tra bờ vùng, bờ thửa để quản lý chặt chẽ nguồn nước, không để thất thoát gây lãng phí nước. Vùng bơm điện cần tranh thủ các đợt triều cường, các đợt xả nước của hồ thủy điện để bơm tưới hoặc nhập nước sông chìm cho các trạm bơm nhỏ, bơm dã chiến hoạt động. Vùng ven biển tận dụng tối đa ảnh hưởng thủy triều và việc xả nước các hồ để vận hành tưới tiêu, thường xuyên kiểm tra nồng độ mặn để đảm bảo chất lượng nước, tuyệt đối không để nước mặn xâm nhập vào nội đồng. Các Công ty thủy nông chủ động theo dõi thông tin trực tuyến mực nước hạ du hệ thống sông Hồng để vận hành linh hoạt hệ thống công trình theo đúng quy trình vận hành hệ thống. Thường xuyên theo dõi, cập nhật tình hình thủy nông phục vụ sản xuất và báo cáo về Sở NN và PTNT. Quá trình vận hành điều tiết nước phải bảo đảm tuyệt đối an toàn lao động, an toàn công trình, nhất là trong quá trình vận hành các cống dưới đê, các kênh nổi có cột nước cao, chống xâm nhập mặn…
Phát biểu tại buổi kiểm tra, Bộ trưởng Bộ NN và PTNT Nguyễn Xuân Cường biểu dương sự nỗ lực, chủ động trong việc lấy nước đổ ải, làm đất phục vụ gieo cấy lúa xuân của tỉnh Nam Định và khẳng định: Vụ đông xuân của khu vực đồng bằng sông Hồng có vai trò quan trọng vì quyết định tới 65% sản lượng lúa của cả vùng. Vụ xuân năm nay, toàn vùng gieo cấy khoảng 550 nghìn ha lúa. Bước vào tổ chức sản xuất thì gặp khó khăn rất lớn là nguồn nước phục vụ làm đất gieo cấy thiếu hụt nghiêm trọng bởi nước trong 3 hồ chứa lớn của các thủy điện thiếu hụt từ 40-60% lượng nước theo dung tích thiết kế so với các năm trước. Nhận thức được khó khăn này nên ngay từ tháng 10-2019, Bộ NN và PTNT đã xây dựng kế hoạch ứng phó và tổ chức thực hiện; đã tổ chức hội nghị với 11 tỉnh, thành phố để quán triệt tình hình khó khăn này nên đến nay các tỉnh, trong đó có Nam Định đã có sự chủ động trong thực hiện các phương án ứng phó, trong đó có việc tăng cường các trạm bơm dã chiến để bơm tát và tận dụng các đợt triều cường để điều tiết, bơm nước vào ruộng, hệ thống kênh mương, sông chìm. Do đó đến ngày 22-1, toàn vùng đã đảm bảo nước được 55% tổng diện tích gieo cấy lúa vụ xuân năm 2020. Đây là kết quả rất tốt trong điều kiện, hoàn cảnh năm nay gặp rất nhiều khó khăn về nguồn nước. Đi đôi với việc lấy nước vào đồng, Bộ NN và PTNT chỉ đạo các địa phương tập trung làm đất để vừa giữ nước vừa bảo đảm đất được ngấu ngả để việc thâm canh lúa xuân được tốt hơn; đồng thời 11 tỉnh, thành phố đã chuyển đổi gần 1 vạn ha sang trồng các loại cây màu… Bộ trưởng Bộ NN và PTNT yêu cầu, các tỉnh, thành phố tiếp tục tập trung lấy nước từ ngày 5 đến 12-2 với mực nước trên các tuyến sông sẽ cao hơn đợt 1, trong đó mực nước tại Hà Nội sẽ đạt khoảng 2,1-2,2m, do đó các địa phương phải tích cực lấy đủ nước cho việc làm đất toàn bộ diện tích gieo cấy vụ xuân của vùng đồng bằng sông Hồng; đồng thời chủ động tích nước ở tất cả kênh mương, ao hồ và những nơi cho phép bảo đảm đủ nước phục vụ gieo cấy và tưới dưỡng cho toàn bộ diện tích lúa mới cấy để lúa sinh trưởng và phát triển tốt, tạo tiền đề giành vụ lúa xuân thắng lợi./.
Tin, ảnh: Văn Đại