Sáng 12-12, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp gỡ, đối thoại với thanh niên về những vấn đề liên quan đến thanh niên, công tác Hội và phong trào thanh niên hiện nay với chủ đề “Khát vọng thanh niên Việt Nam - Vì Tổ quốc giàu mạnh văn minh”. Cuộc đối thoại diễn ra tại phiên bế mạc Đại hội Hội Liên hiệp Thanh niên (LHTN) Việt Nam khóa VIII, nhiệm kỳ 2019-2024. Cùng dự buổi đối thoại có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam và lãnh đạo các bộ, ngành.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu kết luận buổi đối thoại. Ảnh: Văn Điệp - TTXVN |
Vấn đề nhiều đại biểu thanh niên quan tâm là về chính sách hỗ trợ thanh niên hoàn thành mục tiêu của Chính phủ về chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2011-2020 “Xây dựng thế hệ thanh niên Việt Nam phát triển toàn diện, giàu lòng yêu nước, có đạo đức cách mạng, ý thức công dân và lý tưởng xã hội chủ nghĩa”.
Tại cuộc đối thoại, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh các ý kiến của các đại biểu, đồng thời nhấn mạnh vai trò quan trọng của thanh niên trong công cuộc xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc, là lớp thế hệ đại diện cho khát vọng, tuổi trẻ, hoài bão của người dân Việt Nam. Do đó, các hoạt động của thanh niên luôn có sự đồng hành, hỗ trợ của các cơ quan Nhà nước, chính quyền các cấp, tạo điều kiện cho thanh niên có môi trường phát triển. Về các giải pháp xây dựng thế hệ thanh niên mới, Thủ tướng nhấn mạnh, sau khi Luật Thanh niên ra đời, Chính phủ đã ban hành và triển khai đồng bộ các văn bản, quy định, chỉ đạo các bộ, ngành tạo điều kiện cho thanh niên cụ thể bằng những chỉ thị, đề án, nghị định cụ thể. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ, ngành tiếp tục thực hiện tốt các đề án đã ban hành, thực hiện nhiều nội dung thiết thực, phối hợp với thanh niên trong thời đại công nghệ hiện nay, kịp thời điều chỉnh các chính sách tạo điều kiện cho thanh niên.
Thủ tướng đề nghị Trung ương Đoàn và Bộ Nội vụ tập trung xây dựng đề án Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2021-2030 mang tính chiến lược, trí tuệ, khoa học, tạo điều kiện cho thanh niên phấn đấu, phát triển kinh tế - xã hội, góp phần xây dựng đất nước.
Cùng trả lời về vấn đề này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng Đảng, Nhà nước rất quan tâm và có nhiều chính sách về giáo dục tư tưởng, đạo đức, lối sống, lòng yêu nước cho thanh niên, học sinh, sinh viên. Các chương trình giáo dục từ cấp tiểu học trở lên đã được lồng ghép những nội dung này. Chính phủ có nhiều giải pháp, nhưng trong thời gian tới sẽ có giải pháp tăng cường trách nhiệm của Hội LHTN Việt Nam, Hội Sinh viên Việt Nam. Trong đó, mỗi hội viên thanh niên, sinh viên phải là một đại sứ về lòng yêu nước, về đạo đức, lối sống.
Cũng trao đổi về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Phúc cho biết, liên quan đến các môn học về chính trị, tư tưởng, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương rà soát, xây dựng, đổi mới chương trình giáo dục lý luận, chính trị tại các trường đại học; đặc biệt là đổi mới về phương pháp, cách giảng dạy các môn học này để hấp dẫn, lôi cuốn hơn. “Hiện Bộ và Ban Tuyên giáo Trung ương đã cơ bản hoàn thành chương trình giảng dạy đổi mới này và sẽ ban hành, áp dụng trong thời gian tới” - Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết.
Liên quan đến vấn đề giải quyết việc làm cho thanh niên, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, các dự báo cho rằng bước vào giai đoạn kỷ nguyên số, trong khoảng 10 đến 15 năm nữa 30% số lượng công việc hiện tại thay đổi và 40% lực lượng lao động toàn cầu cần thay đổi các kỹ năng hiện tại cho phù hợp. Đây là thời cơ nhưng cũng là thách thức lớn đặt ra, đặc biệt cho thanh niên. Việt Nam có tỷ lệ lao động thất nghiệp 2,2%, là một trong 10 quốc gia có tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất thế giới. Tỷ lệ sinh viên thất nghiệp giảm từ 214 nghìn người năm 2015 xuống còn 90 nghìn người năm 2019. Theo Bộ trưởng, Việt Nam hiện nay thiếu cả thầy, thiếu cả thợ. Do đó, trong thời gian tới, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tham mưu Chính phủ và các cơ quan chức năng tập trung xây dựng thể chế đồng bộ phát triển thị trường lao động, giải quyết tốc độ già hoá dân số Việt Nam. Bên cạnh đó, dự báo cung cầu thị trường lao động, ngành nghề, công việc cần được xây dựng nhằm tạo điều kiện cho người lao động được lựa chọn công việc, các cơ quan chức năng điều chỉnh cơ cấu lao động, cơ cấu đào tạo; khuyến khích thanh niên có năng lực học lên đại học và sau đại học, những thanh niên chưa đủ điều kiện năng lực học nghề và học liên thông, chủ động thích ứng với Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Cũng tại cuộc đối thoại, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân trả lời ý kiến của đại biểu về chính sách thu hút nhân tài vào làm việc trong các cơ quan Nhà nước. Theo Bộ trưởng, sau hơn 1 năm thực hiện chính sách, số người được tuyển dụng không nhiều do không đáp ứng đủ các tiêu chí nghiêm ngặt. Trong thời gian tới Bộ Nội vụ sẽ đề xuất Chính phủ sửa đổi, bổ sung, đảm bảo tạo động lực cho người tài phát huy sức mạnh. Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân khuyến khích thanh niên thay đổi nhận thức về việc làm, có sự lựa chọn cân đối để đảm bảo kiến thức chắc, vững tay nghề; tạo điều kiện cho thanh niên phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng trên quê hương.
Về giải pháp thúc đẩy, tạo điều kiện cho thanh niên vay vốn phát triển mô hình nông nghiệp công nghệ cao, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Hiếu cho biết, Chính phủ đã ban hành nghị định nâng hạn mức vay lên 2 tỷ đồng/dự án khởi nghiệp. Do đó, thanh niên khởi nghiệp trên lĩnh vực nông nghiệp nói riêng, thanh niên khởi nghiệp nói chung có cơ hội tiếp cận trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua các tổ chức hội như Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân… nguồn vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội, ngân hàng thương mại và các quỹ của Nhà nước.
Phát biểu kết luận cuộc đối thoại, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá chương trình đã tạo nên không khí cởi mở, chân thành chia sẻ giữa các thành viên Chính phủ, đại diện các cơ quan với thanh niên. Các ý kiến đã đóng góp với Chính phủ những định hướng quan trọng, gợi mở về chỉ đạo điều hành đối với những lĩnh vực thanh niên quan tâm. Nhiều đề xuất rất tâm huyết, chính đáng, nói lên quyết tâm của thanh niên trong sự nghiệp xây dựng đất nước.
Điểm lại nhiều kết quả phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam trong thời gian qua, Thủ tướng đánh giá, những thành công là sự đóng góp của nhiều thế hệ, trong đó có thanh niên. Về phương hướng nhiệm vụ trong thời gian tới, Thủ tướng cho rằng trong bối cảnh mới của cuộc Cách mạng công nghệ lần thứ 4, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đang đặt ra cho Việt Nam thách thức rất lớn lao, mà cả nước cũng như thanh niên phải vượt lên.
Trước bối cảnh đó, Hội LHTN Việt Nam phải tiếp tục huy động sự tham gia của đông đảo thanh niên trong và ngoài nước cùng đoàn kết thi đua, quyết tâm thực hiện khẩu hiệu “thanh niên Việt Nam yêu nước, sáng tạo, tình nguyện, hội nhập, phát triển”.
Trích lại câu nói của Bác Hồ: “thanh niên là người chủ tương lai của nước nhà, nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh một phần lớn là do thanh niên”, Thủ tướng tiếp tục nhấn mạnh vai trò của thanh niên trong sự nghiệp của đất nước. Trước hết thanh niên Việt Nam phải có lý tưởng đúng đắn, có khát vọng xây dựng đất nước giàu mạnh, hùng cường.
Theo Thủ tướng, Nhà nước, Chính phủ sẽ phối hợp tốt hơn với Trung ương Đoàn, Hội LHTN để tạo môi trường tốt hơn cho thanh niên Việt Nam phát huy tài năng xây dựng đất nước. Đây là yêu cầu cần thiết mà nhiều bạn trẻ cũng đã nêu ra tại diễn đàn. “Công tác của Hội LHTN trong nhiệm kỳ mới là xây dựng mảnh đất tốt lành, tin cậy để các bạn thanh niên gieo hạt giống học tập, tài năng để không ngừng đơm hoa kết trái” - Thủ tướng nói.
Từ đó, Thủ tướng mong muốn, các cấp Hội LHTN sẽ lan tỏa giá trị sống tích cực, vai trò của Hội trong việc hỗ trợ thanh niên lập nghiệp, khởi nghiệp; đặc biệt là thực hiện 3 nhóm chỉ tiêu lớn: “Tôi yêu Tổ quốc tôi”, bồi đắp tinh thần yêu nước, phong trào tình nguyện vì cộng đồng. Đây là những vấn đề nóng trong nhiệm kỳ tới của Hội LHTN. Về công tác phát triển hội viên, Thủ tướng mong muốn các cấp Hội sẽ thực hiện tốt hơn trong nhiệm kỳ mới. Trong đó, Hội xác định mục tiêu, vai trò của mình, phát huy sức mạnh đoàn kết, tập hợp thanh niên trong bối cảnh mới, môi trường internet, mạng xã hội hiện nay. Chính phủ sẽ tiếp tục đồng hành với thanh niên ở Việt Nam ở tất cả các lĩnh vực, các địa bàn... Các chính sách sẽ tiếp tục tạo môi trường thuận lợi cho công tác thanh niên, các tổ chức thanh niên hoạt động hiệu quả hơn.
Đồng thời, Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương các cấp tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện cho Hội LHTN hoạt động vững mạnh, trưởng thành qua học tập, lao động, sản xuất, nghiên cứu khoa học./.
Theo baotintuc.vn