Ngày 28-12, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông năm 2019, triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2020. Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia chủ trì hội nghị. Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh ta có đồng chí Ngô Gia Tự, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; các đồng chí thành viên Ban An toàn giao thông tỉnh.
Năm 2019 công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông tiếp tục được Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia quan tâm, chỉ đạo quyết liệt, các bộ, ngành, đoàn thể chính trị xã hội và các địa phương tích cực vào cuộc, triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp giúp tình hình trật tự an toàn giao thông có chuyển biến tích cực, tai nạn giao thông tiếp tục giảm cả 3 tiêu chí; dịch vụ vận tải cơ bản đã đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân trong các dịp cao điểm. Công tác tuyên truyền về bảo đảm trật tự an toàn giao thông được thực hiện dưới nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Công tác thanh tra, tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm, điều tra, giải quyết tai nạn giao thông được thực hiện có hiệu quả. Công an các đơn vị, địa phương tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông. Lực lượng Cảnh sát giao thông đã lập biên bản xử lý 4.129.325 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa, phạt tiền 2.764 tỷ 355 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 342.032 trường hợp, tạm giữ 651.885 phương tiện. Lực lượng Thanh tra Giao thông đã thực hiện 76.223 cuộc thanh tra, kiểm tra; xử phạt vi phạm hành chính 63.050 vụ với số tiền trên 588 tỷ đồng; tạm giữ 427 ô tô; đình chỉ hoạt động 250 bến thủy nội địa, 329 phương tiện thủy nội địa; giám sát 968 kỳ sát hạch lái xe ô tô, 599 kỳ sát hạch lái xe mô tô. Qua công tác, thanh tra, kiểm tra đã chấn chỉnh, xử lý nghiêm các bất cập liên quan đến công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông tại các cơ quan, đơn vị và địa phương. Toàn quốc xảy ra 17.626 vụ tai nạn giao thông, làm chết 7.624 người, bị thương 13.624 người; so với năm 2018, số vụ tai nạn giao thông giảm 939 vụ (giảm 5,06%), số người chết giảm 587 người (giảm 7,15%), số người bị thương giảm 934 người (giảm 6,42%)... Mặc dù đạt được những kết quả nổi bật, nhưng tình hình trật tự an toàn giao thông năm 2019 vẫn diễn biến phức tạp, còn xảy ra một số vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng, gây bức xúc trong dư luận xã hội, nhất là tai nạn liên quan đến xe chở khách, xe tải nặng, tai nạn do lái xe vi phạm nồng độ cồn, sử dụng ma túy gây nên; vai trò chủ động xây dựng và thực hiện kế hoạch an toàn giao thông trong đơn vị của chủ xe, chủ doanh nghiệp vận tải còn rất hạn chế; tình trạng “xe dù, bến cóc” tăng mạnh, gây mất trật tự an toàn giao thông; ùn tắc giao thông tại các đô thị lớn.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình yêu cầu các bộ, ngành, địa phương căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của đơn vị mình, cũng như các nhiệm vụ cụ thể được giao trong Kế hoạch Năm An toàn giao thông 2020; triển khai quyết liệt, nghiêm túc các giải pháp: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông; kiên trì xây dựng văn hoá giao thông an toàn và thân thiện môi trường cho mọi tầng lớp nhân dân. Nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý Nhà nước về bảo đảm trật tự an toàn giao thông và hiệu lực, hiệu quả tuần tra, kiểm soát xử lý vi phạm. Đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng công tác đầu tư xây dựng, nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông gắn với duy tu, bảo đảm an toàn giao thông và khai thác có hiệu quả các công trình hạ tầng hiện hữu và bảo vệ hành lang an toàn giao thông. Tập trung cải thiện chất lượng để nâng cao thị phần vận tải thuỷ và vận tải ven biển để giảm lưu lượng vận tải hàng hoá bằng xe tải trên đường bộ. Thực hiện đồng bộ các giải pháp hạn chế sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân, kiểm soát chặt điều kiện về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của các phương tiện cơ giới, đặc biệt là trong các khu vực trung tâm đô thị. Quản lý chặt chẽ công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch xây dựng bảo đảm việc đầu tư, xây dựng mới hoặc điều chỉnh, sắp xếp các khu công nghiệp, đô thị, các trung tâm thương mại, trường học, bệnh viện... trong các đô thị phù hợp với năng lực kết cấu hạ tầng giao thông và vận tải công cộng./.
Thành Trung