Trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế ở hầu hết các khu vực, các nền kinh tế đều chậm lại, tăng trưởng kinh tế Việt Nam đã hồi phục rõ nét và GDP tăng trung bình 6,84% trong giai đoạn 2016-2020, cao hơn mục tiêu kế hoạch đề ra và là mức tăng cao nhất trong ba kỳ kế hoạch gần đây. Kết quả này là tiền đề quan trọng để Việt Nam có thể gia nhập nhóm nước có thu nhập trung bình cao vào năm 2025.
Đánh giá triển vọng kinh tế Việt Nam giai đoạn 2012-2015, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (NCIF) thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra hai kịch bản tăng trưởng GDP. Kịch bản cơ sở: tốc độ tăng trưởng GDP có thể đạt trung bình 7%/năm; kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định với các chỉ tiêu lạm phát khoảng 3,5% đến 4,5%; tỷ lệ vốn đầu tư/GDP dự kiến ở mức 31% (giảm so với tỷ lệ 33,5% của giai đoạn 2016-2020). Năng suất lao động được cải thiện hơn với tốc độ tăng trung bình 6,3%. GDP bình quân đầu người đạt khoảng 4.688 USD. Như vậy, với kết quả tính toán của kịch bản này, theo tiêu chí phân loại của Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam sẽ bước vào nhóm các quốc gia thu nhập trung bình cao vào năm 2025. Còn ở kịch bản cao, tốc độ tăng trưởng GDP có thể đạt trung bình 7,5%/năm nếu Việt Nam tận dụng và phát huy tốt hơn nữa các cơ hội từ hội nhập kinh tế quốc tế và đẩy nhanh việc chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng mới; ổn định vĩ mô được duy trì với các chỉ tiêu lạm phát khoảng 3,5% đến 4,5%; hiệu quả vốn đầu tư được cải thiện tốt hơn. Năng suất lao động được cải thiện hơn với tốc độ tăng trung bình 6,8%. GDP bình quân đầu người đạt 4.798 USD.
Các chuyên gia kinh tế trong nước và nước ngoài thống nhất quan điểm rằng, Việt Nam đã đạt được những thành tựu nổi bật về tăng trưởng trong giai đoạn từ năm 2016 đến nay và có nhiều khả năng tiếp tục giữ đà tăng trưởng cao trong tương lai. Tuy nhiên, Việt Nam cũng đang đối mặt với không ít khó khăn, thách thức đến từ sự thay đổi nhanh chóng của thế giới do tác động của cuộc CMCN 4.0, sự giảm tốc của kinh tế thế giới, biến đổi khí hậu. WB cảnh báo, mô hình kinh tế Việt Nam hiện tại đang phải đối mặt với nguy cơ già hóa dân số nhanh, khả năng giảm tốc độ tăng năng suất, hình thành vốn và tỷ lệ sinh lời đầu tư thấp… Do đó, mặc dù Việt Nam có tiềm năng để duy trì thành công trong sự phát triển của mình, vẫn cần tiếp tục có những bước đi đúng đắn để nắm bắt cơ hội trong tương lai và quản lý rủi ro./.
Theo nhandan.com.vn