Ngày 13-12, Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy giá trị Di sản văn hóa Phật giáo, Hội Trầm tích Việt Nam, Trường Đại học Khoa học tự nhiên - Khoa Địa chất, Viện Địa chất, Học viện Thủy Lợi, Liên đoàn Địa chất khoáng sản biển đã phối hợp tổ chức Hội thảo biến động đới bờ biển và dòng chảy sông qua nhiều thế kỷ tác động đến di sản văn hóa Phật giáo vùng hạ lưu châu thổ sông Hồng. Tham gia hội thảo, có đại diện Giáo hội Phật giáo Việt Nam, các giáo sư, tiến sĩ khoa học và các nhà nghiên cứu di sản văn hóa.
Tại hội thảo, các đại biểu đã nghe các báo cáo khoa học: “Lịch sử biến động bờ biển và lòng sông khu vực hạ lưu châu thổ sông Hồng từ 1000 năm đến nay” (Giáo sư, Tiến sĩ Trần Nghi); “Tác động của các yếu tố tự nhiên đến Di sản văn hóa Phật giáo từ thế kỷ thứ X đến nay” (Nhà nghiên cứu Lê Doãn Thăng); “Tích hợp hệ thống thông tin địa lý (GIS) và viễn thám, xác định các đường bờ cổ trong giai đoạn Holocen giữa - muộn và tìm hiểu sự biến động của đới bờ biển cổ qua nhiều thế kỷ tác động đến Di sản văn hóa Phật giáo vùng Tây Nam đồng bằng sông Hồng” (Thạc sĩ Trần Ngọc Diễn); “Một số phương pháp địa chất ứng dụng trong nghiên cứu biến động bờ biển và dòng chảy sông trong Holocen” (Tiến sĩ Nguyễn Văn Hướng); “Tiến trình phát triển địa hình đới bờ biển rìa châu thổ sông Hồng trong thời kỳ gần đây” (Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Văn Phái). Các nhà khoa học nhận định: Tỉnh Nam Định nằm trong khu vực hạ lưu sông Hồng chịu nhiều ảnh hưởng từ biến động đới bờ biển và dòng chảy sông qua nhiều thế kỷ tác động đến di sản văn hóa Phật giáo; trong đó có nhiều di tích cổ tự như: Viên Quang Tự, Chùa Keo Hành Thiện (Xuân Trường), Viên Quang Như, Chùa Đại Bi (Nam Trực)…
Hội thảo góp phần xác định vị trí - niên đại các di tích lịch sử nói chung, di sản văn hóa Phật giáo nói riêng trên địa bàn tỉnh, làm sáng tỏ nhiều vấn đề lịch sử./.
Viết Dư