Bộ Tài chính vừa có Công văn 14813/BTC-CST gửi xin ý kiến các bộ, ngành lần thứ 4 về việc sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Biểu thuế xuất khẩu, nhập khẩu ưu đãi đối với một số mặt hàng nông sản. Theo đó, các mặt hàng như thịt gà, thịt lợn, sữa... dự kiến sẽ được giảm thuế nhập khẩu.
Cụ thể, mặt hàng thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ của gà thuộc phân nhóm 0207.14. Bộ Tài chính dự kiến giảm mức thuế nhập khẩu từ 20% xuống 18% (Mỹ đề nghị 14,5%). Mức thuế suất 18% tương ứng với mức cắt giảm năm thứ 1 trong Hiệp định CPTPP. Đối với mặt hàng thịt lợn tươi hoặc ướp lạnh, Bộ Tài chính dự kiến điều chỉnh giảm thuế suất mặt hàng thịt lợn tươi hoặc ướp lạnh trừ loại thịt cả con và nửa con, trừ thịt mông đùi, thịt vai và các mảnh của chúng từ 25% xuống 22%. Mức thuế suất này tiệm cận với mức thuế suất cắt giảm năm 2019 theo Hiệp định CPTPP là 21,6%, do Biểu thuế MFN không có mức thuế suất 21% nên quy định mức thuế suất 22%.
Đánh giá về việc giảm thuế suất các mặt hàng thịt nói trên tác động số thu ngân sách Nhà nước, Bộ Tài chính cho biết, hiện nay hầu như không có kim ngạch xuất khẩu áp dụng mức thuế MFN nên việc điều chỉnh thuế suất không ảnh hưởng đến số thu ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên việc giảm thuế MFN dẫn đến lượng nhập khẩu tăng, qua đó có thể tăng thu ngân sách Nhà nước. Mặt khác, người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi từ việc giảm thuế do giá sản phẩm giảm. Trong trường hợp giảm thuế từ 20% xuống 18%, lấy theo kim ngạch nhập khẩu chịu thuế MFN năm 2018, dự kiến sẽ giảm thu khoảng 3 triệu USD, tương đương 69 tỷ đồng/năm.
Bên cạnh đó với việc giảm thuế MFN thì không chỉ Mỹ được hưởng mà thị trường Braxin, Ba Lan cũng được hưởng ưu đãi theo và qua đó thì cũng có thể dẫn đến sự gia tăng của hàng nhập khẩu không chỉ từ Mỹ, Brazil, Ba Lan mà còn có các thị trường khác chưa xuất khẩu vào Việt Nam./.
Theo chinhphu.vn