1. Lần đầu tiên Bộ Chính trị ban hành quy định về kiểm soát quyền lực:
Ngày 23-9-2019, Bộ Chính trị ban hành Quy định số 205-QÐ/TW quy định về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền.
Quy định chỉ rõ các hành vi chạy chức, chạy quyền; các hành vi bao che, tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền; trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong chống chạy chức, chạy quyền và chế tài xử lý hành vi bao che tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền.
Việc thực thi Quy định 205 góp phần lựa chọn cán bộ đủ phẩm chất, năng lực, uy tín ngang tầm nhiệm vụ vào bộ máy lãnh đạo trong nhiệm kỳ tới.
2. Tăng trưởng GDP thuộc nhóm hàng đầu khu vực:
Năm 2019, Việt Nam đạt mức tăng trưởng GDP 7,03% trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược trong khu vực và trên thế giới gia tăng. Ðây là năm thứ hai liên tiếp Việt Nam hoàn thành tất cả 12/12 chỉ tiêu Quốc hội đề ra; năm thứ tư liên tiếp kiểm soát lạm phát dưới 4%...
Ðặc biệt, Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) đã ghi nhận sự tiến bộ vượt bậc của Việt Nam với mức tăng 10 bậc và là quốc gia tiến nhanh nhất thế giới về năng lực cạnh tranh.
3. Ra mắt Cổng Dịch vụ công quốc gia:
Ngày 9-12-2019, Cổng Dịch vụ công quốc gia được đưa vào hoạt động. Ðây là dấu mốc quan trọng trong mục tiêu triển khai Chính phủ điện tử, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ.
4. Việt Nam trúng cử Ủy viên không thường trực Ðại Hội đồng Liên hợp quốc với 192/193 phiếu:
Tối 7-6-2019 (giờ Việt Nam), tại khóa họp thứ 73 Ðại Hội đồng Liên hợp quốc, Việt Nam nhận được sự ủng hộ của 192/193 thành viên Ðại Hội đồng Liên hợp quốc vào vị trí Ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an nhiệm kỳ 2020-2021.
Kết quả này thể hiện sự tin tưởng, tín nhiệm và đánh giá cao của cộng đồng quốc tế đối với những đóng góp tích cực, thực chất, có trách nhiệm của Việt Nam đối với Liên hợp quốc nói chung và Hội đồng bảo an nói riêng.
5. Ðoàn Thể thao Việt Nam thành công vang dội tại SEA Games 30:
Với kỷ lục 98 Huy chương Vàng, 85 Huy chương Bạc, 105 Huy chương Ðồng, vượt xa chỉ tiêu đề ra, Ðoàn Thể thao Việt Nam đã xuất sắc đứng ở vị trí thứ hai toàn đoàn tại Ðại hội Thể thao Ðông Nam Á lần thứ 30 (SEA Games 30) diễn ra tại Philippines. Trong đó, các vận động viên Nam Ðịnh tham gia giành 5 Huy chương Vàng và 1 Huy chương Ðồng.
6. Việt Nam thực hiện tốt vai trò chủ nhà của Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên:
Thủ đô Hà Nội được lựa chọn là địa điểm tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên lần thứ hai trong hai ngày 27 và 28-2-2019.
Việt Nam đã thể hiện được vai trò của một quốc gia có trách nhiệm, đóng góp tích cực cho hòa bình thế giới và khu vực khi tổ chức chu đáo, an toàn sự kiện này, được bạn bè quốc tế đánh giá là điểm đến an toàn, ấn tượng, thân thiện, có đầy đủ điều kiện và kinh nghiệm tổ chức sự kiện lớn mang tầm cỡ quốc tế.
7. Hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trước gần 2 năm:
Ngày 19-10-2019, Ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tổ chức Hội nghị toàn quốc Tổng kết 10 năm Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020.
Sau gần 10 năm, chương trình đã huy động được 2,4 triệu tỷ đồng phát triển các thiết chế hạ tầng sản xuất, đời sống, văn hóa - xã hội khu vực nông thôn; thay đổi căn bản diện mạo nông thôn Việt Nam, vị thế người nông dân được nâng cao, đời sống cải thiện rõ nét, sản xuất nông nghiệp tiếp tục được cơ cấu theo hướng hiện đại, bền vững hơn.
Ðến tháng 10-2019, cả nước đã có 4.665 xã, chiếm 52,4% tổng số xã của cả nước được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, vượt 2,4% so với mục tiêu đề ra. Tỉnh Nam Ðịnh và tỉnh Ðồng Nai là 2 địa phương đầu tiên trên cả nước được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành Chương trình xây dựng nông thôn mới, được Chủ tịch nước tặng Huân chương Ðộc lập hạng Ba.
8. Dịch tả lợn châu Phi lan rộng trên cả nước:
Ngày 19-2-2019, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công bố thông tin Việt Nam lần đầu tiên xuất hiện dịch tả lợn châu Phi. Ðây được xem là dịch bệnh nguy hiểm, hiện chưa có vắc-xin phòng, chống và chưa thể chữa trị.
Toàn hệ thống chính trị đã quyết liệt trong công tác phòng, chống dịch. Tính đến trung tuần tháng 12, tổng số lợn bị bệnh buộc phải tiêu hủy là gần 6 triệu con với trọng lượng 342.802 tấn, chiếm khoảng 9% tổng trọng lượng lợn cả nước. Dịch đã làm nguồn cung thịt lợn trên thị trường khan hiếm, đẩy giá thịt lợn tăng cao trong những tháng cuối năm.
9. Nhiều sự cố môi trường liên tiếp ảnh hưởng đến đời sống người dân:
Vụ cháy nhà máy của Công ty Cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Ðông tại quận Thanh Xuân (Hà Nội), phát tán ra môi trường từ 15,1kg đến 27,2kg thủy ngân; việc xả thải gây ô nhiễm nguồn nước của Công ty Cổ phần Ðầu tư nước sạch Sông Ðà (Viwasupco) gây khủng hoảng nước sạch cho nhiều quận, huyện ở Hà Nội trong nhiều ngày; ô nhiễm không khí nghiêm trọng xảy ra tại các thành phố lớn (Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh) tác động tiêu cực đến sức khỏe và môi trường sống của người dân. Tuy nhiên, những biện pháp xử lý của các cấp chính quyền, cơ quan chức năng chưa kịp thời, khiến cuộc sống của nhiều người dân bị đảo lộn.
10. Tiếp tục xử lý nghiêm minh nhiều tổ chức đảng, cán bộ cấp cao có sai phạm:
Năm 2019, nhiều tổ chức đảng, cán bộ cấp cao có sai phạm đã bị đề nghị xem xét kỷ luật, thi hành kỷ luật và xử lý hình sự, trong đó có nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ, cựu Bộ trưởng, Thứ trưởng, nguyên Thứ trưởng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Bí thư, nguyên Bí thư Ðảng ủy, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị, nguyên Tổng Giám đốc Tập đoàn, Tổng Công ty Nhà nước; Ban Cán sự Ðảng bộ; Ban Thường vụ Tỉnh ủy; Ban Thường vụ Ðảng ủy Tập đoàn, Tổng Công ty Nhà nước.
Việc xử lý nghiêm minh các cán bộ, tổ chức đảng có sai phạm tiếp tục khẳng định quan điểm không có “vùng cấm” trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thể hiện quyết tâm giữ vững kỷ cương, kỷ luật của Ðảng, làm trong sạch bộ máy, lấy lại và củng cố niềm tin của nhân dân./.