Chiều 11-11, dự lễ công bố quyết định bổ nhiệm Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đưa ra 5 yêu cầu cho Viện cũng như tân Chủ tịch Viện.
Theo Thủ tướng, một trong những sứ mệnh quan trọng đối với trung tâm khoa học lớn của quốc gia có hơn 2.000 cán bộ, viên chức là thúc đẩy sự phát triển của nền khoa học xã hội Việt Nam, đóng góp xứng đáng vào hoạch định đường lối, chính sách phát triển của Nhà nước, đóng góp vào sự vươn tầm quốc tế về khoa học xã hội và nhân văn của Việt Nam, để làm sao có thể đứng vững trong hội nhập, làm sao trí tuệ, văn hóa, con người Việt Nam có thể vươn xa, vươn đến bến bờ thịnh vượng và thành công. Vì vậy, Viện không chỉ trở thành trung tâm nghiên cứu lớn mà còn là trung tâm tư vấn chính của Đảng, Chính phủ. Các nghiên cứu của Viện phải góp phần làm sáng tỏ đường lối phát triển đất nước giai đoạn mới với tinh thần khoa học, đổi mới sáng tạo.
Đánh giá cao những đóng góp của Viện thời gian qua đối với công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, nhưng Thủ tướng cho rằng, thành tích của Viện còn khiêm tốn, có nhiều nghiên cứu còn nặng tính lý thuyết, chưa giải quyết được các nhu cầu thực tiễn, cấp bách. Đội ngũ đông nhưng số lượng các chuyên gia, nhà khoa học có năng lực chuyên môn cao còn ít, thiếu vắng học giả có uy tín khoa học và tầm ảnh hưởng quốc tế. Viện vẫn còn thiếu những đóng góp có khả năng ảnh hưởng đến tri thức nhân loại mang dấu ấn Việt Nam.
Thủ tướng mong muốn, các đề tài nghiên cứu giảm bớt tính lý thuyết, không được nghiên cứu để làm dày thêm các tủ lưu trữ trong thư viện. Nghiên cứu là cần thiết, nhất là nghiên cứu cơ bản, nhưng phải gắn với thực tiễn. Thủ tướng cũng đề nghị những người làm nghiên cứu của Viện cần tiếp tục thay đổi tư duy, kỹ năng và cả văn hóa làm việc để bắt kịp thực tế và thích ứng với thị trường; vừa là nhà khoa học giỏi, vừa là nhà tư vấn giỏi cho cơ quan của Đảng, Nhà nước, các đoàn thể chính trị.
Nhân dịp này, Thủ tướng nêu ra 5 yêu cầu lớn đối với Viện Hàn lâm cũng như là nhiệm vụ của tân Chủ tịch. Trước hết, sắp xếp, cơ cấu lại tổ chức, tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả chất lượng các viện nghiên cứu khoa học. Phải chấn chỉnh công tác đào tạo, sản phẩm đầu ra trong đào tạo phải xứng đáng với danh tiếng, uy tín của Viện.
Thứ hai, phải bắt nhịp hơi thở của cuộc sống trong nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn. Từ đó, đưa ra giải pháp mới giải quyết các vấn đề xã hội của Việt Nam.
Thứ ba, khẳng định Chính phủ cam kết duy trì ngân sách hỗ trợ cho Viện, Thủ tướng mong muốn Viện cần chủ động đổi mới mô hình và xây dựng cơ chế tài chính bền vững thông qua các nguồn tài trợ phù hợp, hợp pháp.
Thứ tư, các nghiên cứu không được “bỏ vào ngăn kéo” mà phải được công bố công khai toàn văn trên trang web của Viện để xã hội và các nhà khoa học khắp nơi tiếp cận, sử dụng.
Thứ năm, Viện cần đổi mới cơ chế thu hút, trọng dụng nhân tài, phát huy tối đa nội lực, mở rộng hợp tác quốc tế và hội nhập có hiệu quả vào chuỗi giá trị tri thức nhân loại, đặc biệt là xây dựng lực lượng nghiên cứu của Viện kết nối với các nhà nghiên cứu khoa học nhân văn người Việt trên toàn thế giới, trong đó có việc không hành chính hóa các nhà khoa học, đổi mới cơ chế hướng đến quản lý theo kết quả, giảm các thủ tục hành chính phiền hà, tạo thuận lợi, động lực tốt cho các nhà khoa học.
Thủ tướng đề nghị Viện phải nghiên cứu, làm sáng tỏ một số vấn đề như tận dụng cách mạng công nghiệp 4.0, toàn cầu hóa trong xu thế mới, các xung đột kinh tế thương mại giữa các cường quốc có quan hệ với Việt Nam, vấn đề chủ quyền biển đảo, biến đổi khí hậu, chênh lệch giàu nghèo, giữ gìn truyền thống văn hóa, vấn đề gia đình và kinh tế thị trường, vấn đề dân tộc, tôn giáo./.
Theo chinhphu.vn