Ngày 11-11-2019, UBND tỉnh đã ban hành Công văn số 940/UBND-VP3 chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị xây dựng kế hoạch tổng thể phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn mùa khô năm 2019-2020 phù hợp với thông tin dự báo khí tượng, thuỷ văn, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, đảm bảo cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh.
UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thành phố bố trí cơ cấu sản xuất phù hợp với khả năng nguồn nước, khuyến khích chuyển đổi mạnh cơ cấu cây trồng từ lúa sang canh tác nông nghiệp đa dạng trên cơ sở tuân thủ quy định pháp luật về đất đai, đáp ứng nhu cầu của thị trường; bố trí vùng sản xuất cây trồng có cùng khả năng chịu mặn và nhu cầu dùng nước đa dạng để thuận tiện cho việc điều tiết nước; hạn chế việc gieo sạ lúa ở những vùng khó điều tiết nước để giảm áp lực về cung cấp nước phục vụ gieo cấy. Rà soát, xác định các khu vực khó khăn về nước để khuyến cáo các địa phương xây dựng kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ lúa sang cây trồng có nhu cầu ít nước hơn. Khuyến cáo các hộ gia đình có nguy cơ thiếu nước sinh hoạt tăng cường sử dụng trang, thiết bị phục vụ cấp, trữ nước. Chủ động lắp đặt và vận hành các trạm bơm dã chiến để tận dụng tối đa nguồn nước, giảm thất thoát, lãng phí nước. Chỉ đạo các địa phương, công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên khai thác công trình thuỷ lợi đẩy nhanh tiến độ làm thuỷ lợi nội đồng và thực hiện tốt các nội dung chỉ đạo của UBND tỉnh tại Chỉ thị số 08/CT-UBND ngày 2-10-2019.
Các công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên khai thác công trình thuỷ lợi dự báo, cập nhật thông tin tình hình nước đầu nguồn và diễn biến thời tiết; thường xuyên kiểm kê nguồn nước trong công trình thuỷ lợi. Thực hiện tiết kiệm nước ngay từ đầu mùa khô, có kế hoạch phân phối nước hợp lý từ đầu vụ sản xuất và điều chỉnh hợp lý khi nguồn nước bị thiếu hụt để đảm bảo cung cấp đầy đủ cho các nhu cầu thiết yếu (sinh hoạt, chăn nuôi, cây trồng lâu năm…) và sản xuất nông nghiệp cho cả mùa khô năm 2019-2020. Phối hợp với các địa phương xây dựng, thực hiện kế hoạch lấy nước phù hợp với lịch lấy nước chung toàn tỉnh và lịch xả nước của các hồ thuỷ điện do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông báo; tranh thủ các đợt triều cường trước các đợt xả nước hồ thuỷ điện để lấy nước sớm, tích trữ vào hệ thống kênh mương, ao hồ. Tiếp tục kiểm tra, rà soát hiện trạng hệ thống công trình thuỷ lợi để có kế hoạch tu bổ, sửa chữa phù hợp; ưu tiên nguồn lực đầu tư xây dựng, sửa chữa, nâng cấp các hệ thống thuỷ lợi, đặc biệt là các cửa lấy nước, kênh trục chính và công tác khơi thông dòng chảy; đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình để nâng cao năng lực khai thác nguồn nước và hiệu quả khai thác công trình thuỷ lợi. Phối hợp với các địa phương lắp đặt và vận hành các trạm bơm dã chiến để tận dụng tối đa nguồn nước, giảm thất thoát, lãng phí nước. Thực hiện các giải pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho lúa và cây trồng cạn, đảm bảo đáp ứng nhu cầu nước tối thiểu vào các thời kỳ nhạy cảm về nước của cây trồng, đặc biệt với cây ăn quả, cây trồng có giá trị kinh tế cao. Chủ động sử dụng kinh phí hỗ trợ tiền sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thuỷ lợi và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác để tăng cường thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn trong toàn hệ thống. Trường hợp không bố trí đủ nguồn kinh phí để thực hiện, công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên khai thác công trình thuỷ lợi tổng hợp kinh phí phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn vượt định mức trong toàn hệ thống báo cáo UBND tỉnh trình Trung ương xem xét hỗ trợ./.
Đức Toàn