Sơ kết 1 năm triển khai gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan hành chính Nhà nước

05:11, 15/11/2019

Ngày 15-11, Văn phòng Chính phủ tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 1 năm thực hiện Quyết định số 28/2018/QĐ-TTg ngày 12-7-2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính Nhà nước. Đồng chí Mai Tiến Dũng, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ dự và chỉ đạo hội nghị.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng Ảnh: Dương Giang/TTXVN
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng
Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Theo báo cáo của Văn phòng Chính phủ một năm qua, Văn phòng Chính phủ đã tích cực phối hợp với 31 bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, 63 tỉnh, thành phố và Văn phòng Trung ương Đảng triển khai gửi, nhận văn bản điện tử theo Quyết định số 28/2018/QĐ-TTg. Đến nay, 100% các bộ, ngành địa phương và Văn phòng Trung ương Đảng đã kết nối liên thông gửi, nhận văn bản điện tử ở 2 cấp chính quyền với Trục liên thông văn bản quốc gia. 64 đơn vị, bộ, ngành, địa phương đã gửi, nhận văn bản điện tử 3 cấp chính quyền (cấp vụ, cục - sở, ngành - quận, huyện); trong đó có 1.200 sở, ngành, quận, huyện đã kết nối liên thông LGSP gửi, nhận văn bản điện tử trên Trục liên thông văn bản quốc gia. 10 đơn vị thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông và tỉnh Lào Cai đã gửi, nhận văn bản điện tử 4 cấp chính quyền trên Trục liên thông văn bản quốc gia. Các bộ, ngành, địa phương đã thực hiện thí điểm gửi văn bản điện tử không kèm văn bản giấy từ ngày 9-4-2019 đến ngày 10-5-2019. Từ ngày 12-3-2019 đến 30-9-2019 có 163.107 văn bản gửi và 488.165 văn bản nhận trên Trục liên thông văn bản quốc gia. Kết quả đạt được góp phần giảm đáng kể chi phí gửi, nhận văn bản giấy và thời gian gửi, nhận văn bản giữa các cơ quan Nhà nước; thay đổi tác phong, lề lối làm việc từ giải quyết công việc dựa trên giấy tờ sang giải quyết công việc trên môi trường điện tử; giúp nâng cao năng suất lao động, giảm thời gian xử lý công việc, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của cơ quan Nhà nước, phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn; giúp lãnh đạo Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương nhanh chóng biết được tình trạng xử lý văn bản, hồ sơ, công việc để chỉ đạo kịp thời. Việc liên thông văn bản điện tử thông suốt từ Trung ương đến các cấp địa phương là cơ sở, nền tảng để triển khai kết nối, liên thông các hệ thống thông tin phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và chính quyền các cấp, hình thành hệ thống Chính phủ điện tử kết nối thông suốt từ Trung ương đến địa phương.

Tuy nhiên, sau 1 năm triển khai Quyết định số 28/2018/QĐ-TTg vẫn còn hạn chế: Một số bộ, ngành, địa phương chưa ban hành hoặc sửa đổi quy chế tiếp nhận, xử lý, phát hành và quản lý văn bản điện tử. Nhiều đơn vị chưa bố trí kinh phí nâng cấp hệ thống hạ tầng kỹ thuật phục vụ gửi nhận văn bản điện tử. Công tác nâng cấp phần mềm Quản lý văn bản và điều hành còn gặp khó khăn dẫn tới chưa thống nhất thể thức, hình thức chữ ký số trên văn bản điện tử trên cả nước. Đến nay các bộ, ngành, địa phương chưa liên thông đầy đủ 4 cấp hành chính; trong quá trình gửi, nhận văn bản điện tử còn phát sinh các lỗi không nhận, gửi được, văn bản gửi không đến nơi nhận; nhiều văn bản gửi không tuân thủ thời gian nhận... Hầu hết các đơn vị chưa ứng dụng chữ ký cá nhân trong xử lý, phát hành văn bản và giải quyết công việc trên môi trường điện tử. Thời gian cấp đổi chữ ký số còn chậm; tỷ lệ sử dụng chữ ký số trong gửi, nhận văn bản điện tử tại một số đơn vị còn hạn chế; chưa cấp đầy đủ 100% chữ ký số chuyên dùng cho các đơn vị. Còn tình trạng gửi văn bản điện tử trên Trục liên thông văn bản quốc gia không có chữ ký số hoặc không đủ thông tin xác thực chữ ký số. 

Phát biểu kết luận hội nghị, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nêu rõ: Để tiếp tục triển khai hiệu quả Quyết định số 28/2018/QĐ-TTg, các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục bám sát mục tiêu đã đề ra, hướng tới đảm bảo 100% cơ quan hành chính Nhà nước tham gia vào quá trình gửi, nhận văn bản điện tử và đổi mới phương thức làm việc sang giải quyết văn bản, công việc trên môi trường điện tử. Trong đó, cần tập trung thực hiện 4 nhiệm vụ trọng tâm gồm: Hoàn thiện hành lang pháp lý liên quan đến việc gửi, nhận xử lý và lưu trữ văn bản điện tử. Đẩy mạnh sử dụng chữ ký số trong gửi, nhận văn bản điện tử. Các bộ, ngành, địa phương nghiêm túc tuân thủ các quy định trong gửi, nhận văn bản điện tử đảm bảo đúng tiến độ, hiệu quả được giao. Nâng cao năng lực đảm bảo hạ tầng kỹ thuật, an toàn, an ninh thông tin./.

Thanh Thúy

 


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com