Tỉnh Nghệ An có 36 đơn vị hành chính cấp xã sáp nhập thành 16 đơn vị, giảm 20 đơn vị thuộc 9 huyện, thị. Để triển khai việc sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Kế hoạch số 491 ngày 13-8-2019 về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã. Theo đó, việc sáp nhập sẽ hoàn thành trong năm nay.
Liên quan đến công tác cán bộ, dự kiến sau sáp nhập, bố trí sẽ dôi dư 185 cán bộ, 199 công chức và 306 người hoạt động không chuyên trách. Phương án giải quyết cán bộ dôi dư sẽ theo hướng, đối với các cán bộ đã đủ điều kiện nghỉ hưu, sẽ tạo điều kiện cho nghỉ
theo đúng chính sách; những trường hợp đủ điều kiện chuyển vị trí việc làm thì tiến hành sắp xếp, bố trí phù hợp. Các huyện và đơn vị hành chính cấp xã tiến hành rà soát phân loại, dựa trên các tiêu chí cụ thể, khách quan để lựa chọn người chủ trì.
Đối với cán bộ cấp phó, sẽ bố trí chức danh phù hợp với trình độ, khả năng, tính chất chuyên môn; nếu đủ điều kiện luân chuyển sẽ tiến hành luân chuyển trong địa bàn. Theo đó, trước mắt sẽ không tạo nhiều biến động mà căn cứ theo lộ trình 5 năm để giải quyết phù hợp.
Trước đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thống nhất việc yêu cầu các địa phương tạm dừng việc tuyển dụng cán bộ, công chức cấp xã để điều tiết trong quá trình sắp xếp, sáp nhập. Việc điều tiết không chỉ ở trong một huyện mà giữa các huyện với nhau và có gắn với phương án sáp nhập trong giai đoạn tiếp theo.
Về việc sử dụng cơ sở vật chất, căn cứ vào tình hình thực tế, thực hiện việc lấy ý kiến người dân để lựa chọn trụ sở chính của đơn vị hành chính cấp xã tại 1 trong những đơn vị thuộc diện sáp nhập. Các trụ sở, công trình vật chất còn lại, tiến hành xin chủ trương của Thường trực, Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho bán đấu giá các tài sản hiện hữu, các công trình trụ sở của các xã không sử dụng.
TP Hồ Chí Minh: Sẵn sàng thúc đẩy phát triển toàn diện ngành dệt may và da giày
Sáng 20-11, tại Thành phố Hồ Chí Minh đã diễn ra các cuộc triển lãm quốc tế ngành công nghiệp dệt may, phụ kiện dệt may, máy móc và nguyên phụ liệu da giày và công nghiệp nhuộm - hoá chất.
Tham gia triển lãm 4 trong 1 có 800 gian hàng với 530 đơn vị đại diện cho 550 thương hiệu từ 17 quốc gia và khu vực như: Bangladesh, Trung Quốc, Pháp, Đức, Hồng Kông, Đài Loan (Trung Quốc), Ấn Độ, Nhật Bản, Malaysia, Nigeria, Romania, Singapore, Hàn Quốc, Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, Anh và Việt Nam.
Theo Ban tổ chức, Việt Nam đã trở thành quốc gia xuất khẩu dệt may lớn thứ 3 thế giới với mức tăng trưởng xuất khẩu khoảng 10,8%/năm và dự báo đạt con số hơn 40 tỷ đô la Mỹ năm 2019. Việt Nam đã duy trì mối quan hệ hợp tác lâu dài với nhiều quốc gia thông qua các Hiệp định thương mại tự do (FTA) và đã trở thành điểm đến lý tưởng cho hoạt động đầu tư và sản xuất. Hơn nữa, để đảm bảo sự phát triển bền vững, chính phủ Việt Nam đã liên tục khuyến khích và hỗ trợ hoạt động nâng cấp thiết bị và máy móc cho các doanh nghiệp sản xuất, tăng cường đào tạo nhân lực và thúc đẩy chuyển đổi công nghiệp.
Trong thời gian diễn ra triển lãm, nhiều diễn giả danh tiếng từ các hiệp hội công nghiệp uy tín chia sẻ công thức thành công thông qua các chủ đề như: Phân tích chuyên sâu về tác động của căng thẳng thương mại Mỹ - Trung đối với thị trường Việt Nam; thu hút và tối ưu hoá tài năng Việt Nam trong kỷ nguyên số; cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung và tác động lớn đến ngành công nghiệp da giày và dệt may, lối đi nào cho ngành da giày và dệt may. Triển lãm kéo dài đến hết ngày 23-11./.
PV